Theo chân ông Trần Bá Đường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Phố Ràng, tôi cùng một số bạn trẻ của thị trấn thăm lại chiến trường xưa. Di tích lịch sử Chiến thắng đồn Phố Ràng nằm giữa khu dân cư đông đúc, nổi bật trên nền đất cao, cây cối bao quanh xanh mát. Từ trên điểm cao dõi mắt ra xa là dòng sông Chảy, xa hơn nữa là Tỉnh lộ 160, phía trước là Quốc lộ 70 – tuyến giao thông huyết mạch nối từ huyện Lục Yên (Yên Bái) qua Bảo Yên để lên thành phố Lào Cai; cắt ngang đó là Quốc lộ 279 từ Hà Giang qua Lào Cai tới tỉnh Lai Châu. Tại vị trí chiến lược này, cách đây hơn 70 năm trước, thực dân Pháp chọn làm nơi đóng quân, xây dựng công sự vững chắc, bố trí hỏa lực mạnh và tập trung đội quân tinh nhuệ. Mục đích của chúng là tạo tuyến phòng thủ kéo dài từ Nghĩa Lộ sang Bảo Hà – Phố Ràng – Nghĩa Đô – Quang Bình (Hà Giang), tạo thế uy hiếp đối với căn cứ địa Việt Bắc từ phía Tây.
Thế hệ cha anh luôn giáo dục lớp trẻ truyền thống của quê hương. |
Để đập tan âm mưu, phá vỡ vành đai quân sự của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Sông Thao đã tập trung lực lượng gồm 3 tiểu đoàn (11, 79, 54) đánh địch. Đúng 18 giờ ngày 24/6/1949, pháo binh ta bắt đầu bắn vào đồn Phố Ràng, áp chế các ụ súng của chúng. Tiếp đó, theo hiệu lệnh, bộ đội Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) bắt đầu tấn công quân địch. Từ hướng Nam, bộ đội ta chia làm 3 mũi thọc sâu đánh đồn, có những thời điểm, ta và địch giành giật nhau từng đoạn giao thông hào, từng lô cốt, ụ súng. Thế giằng co đã bị ta chủ động bẻ gãy, ngày 26/6/1949, đồn Phố Ràng bị hạ. Chiến thắng đồn Phố Ràng đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, làm cho trên 60 km phòng tuyến của chúng từ Yên Bình đến Bảo Hà bị cắt làm đôi; phá vỡ toàn bộ tuyến phòng thủ Bảo Hà – Phố Ràng – Nghĩa Đô, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên giải phóng Phố Lu, đưa Chiến dịch Sông Thao đi đến toàn thắng, giải phóng thêm hơn 600 km2 với hàng chục vạn người dân các dân tộc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch, mở rộng hành lang bảo vệ vững chắc “thủ đô kháng chiến Việt Bắc”. Chiến thắng góp phần giúp ta mở đường lên Tây Bắc thuận lợi hơn, tạo đà làm nên chiến thắng Sơn La – Nà Sản, Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Ông Trần Bá Đường tâm sự: Tôi sinh ra những năm sau này nhưng may mắn được nghe nhiều câu chuyện từ người tham gia trực tiếp trận đánh và đọc các tài liệu lịch sử nên rất tự hào về chiến thắng đồn Phố Ràng.
Theo chỉ dẫn của ông Đường, chúng tôi tham quan di tích và dừng lại trước tấm bia ghi danh các anh hùng liệt sỹ trong trận chiến đồn Phố Ràng năm xưa. Sau khi đọc danh sách các anh hùng liệt sỹ,em Phạm Thúy Ngân, học sinh lớp 7A, Trường THCS Phố Ràng rưng rưng: Chúng cháu luôn biết ơn bậc cha anh đi trước đã không ngại hy sinh, gian khổ để giành độc lập dân tộc và chúng cháu sẽ cùng nhau phấn đấu học tập tốt để xứng đáng với sự hy sinh đó.
Phát huy truyền thống cách mạng, huyện Bảo Yên hôm nay có những đổi thay tích cực, từ vùng đô thị tới nông thôn, từ vùng thấp tới vùng cao. Tại thị trấn Phố Ràng, ngay sát Di tích Chiến thắng đồn Phố Ràng, các tuyến phố Nguyễn Tất Thành, Võ Nguyên Giáp, Trần Phú…san sát nhà cửa, dòng người qua lại tấp nập; không bao lâu nữa, mục tiêu đô thị loại IV của thị trấn Phố Ràng sẽ đạt được. Cách đó không xa, những vùng quê trù phú như Lương Sơn, Bảo Hà, Việt Tiến, Phúc Khánh, Tân Dương… nơi đâu người dân cũng đồng lòng phát huy lợi thế của địa phương, viết tiếp bản hùng ca, vững bước xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Cũng bởi thế mà 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bảo Yên luôn duy trì ở mức bình quân 13,35%/năm. Việc tái cơ cấu nền kinh tế ngành nông, lâm nghiệp đã tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa rõ nét, thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác nâng cao, đạt 75 triệu đồng/ha. Tất cả các xã đều có đường ô tô rải nhựa đến trung tâm,thúc đẩy giao thương giữa các vùng. Giáo dục và đào tạo của huyện Bảo Yên luôn được đánh giá cao và là một trong những huyện đứng tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục, duy trì vững chắc phổ cập giáo dục các cấp học.
Song song với phát triển kinh tế, Bảo Yên luôn chú trọng gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tỷ lệ hộ nghèo của Bảo Yên đứng thứ 4 toàn tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới đang tích cực được triển khai, tạo khí thế mạnh ở vùng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: Huyện luôn coi trọng phát triển kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững, xây dựng Bảo Yên trở thành huyện phát triển khá của tỉnh.
Tự hào với truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền,nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đang tiếp nối hào khí, đoàn kết, thi đua, cùng xây dựng quê Bảo Yên ngày càng giàu đẹp.