Đồn Phố Ràng được xây dựng trên cao điểm 442, diện tích rộng gần 1 ha. Đây là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo tiểu khu quân sự Phố Ràng. Thế đồn gần như 3 mặt là sông, ở vị trí đồn có thể bao quát, theo dõi toàn bộ các hoạt động trên sông và hai bên bờ. Pháp cho xây dựng một hệ thống công sự vững chắc với nhiều lô cốt, giao thông hào, hàng rào tre vót nhọn ken dày đặc quanh cứ điểm, mìn, vật cản và ụ súng được bố trí xung quanh đồn. Địch còn bố trí 2 trung đội Âu – Phi, 1 đội lính khố đỏ, 1 trung đội lính dù, 1 trung đội lính dõng, các loại vũ khí sẵn sàng đánh trả và cản bước tiến của quân ta.
Bảo Yên hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025. |
Ngày 19/5/1949, chiến dịch sông Thao mở màn. Trong vòng vài ngày quân ta tiêu diệt 2 vị trí là Đại Bục và Đại Phác (Trấn Yên, Yên Bái) thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở hữu ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái. Thừa thắng ta đánh tiểu khu Phố Ràng là cứ điểm xung yếu, căn cứ đầu não của địch và cũng là sở chỉ huy của tiểu khu.
Các cựu chiến binh ôn lại lịch sử chiến thắng Phố Ràng. |
Đúng 18 giờ ngày 24/6/1949, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào đồn địch, áp chế các ụ súng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục với khí thế mãnh liệt, kiên cường, dũng cảm, đúng 8 giờ ngày 26/6/1949 quân ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, bắt sống tên quan Ba chỉ huy đồn, tiêu diệt hơn một đại đội địch. Đồn Phố Ràng bị hạ, một bộ phận quân địch rút chạy theo 2 hướng về Nghĩa Đô và Lào Cai. Sở chỉ huy Phố Ràng bị tiêu diệt đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ của địch từ Phố Lu đến Nghĩa Đô, gây cho địch hoang mang lo sợ.
Bảo Yên hôm nay đã có những nhà máy thủy điện hiện đại. |
Chiến thắng Phố Ràng đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ Bảo Hà – Phố Ràng – Nghĩa Đô – Yên Bình xã, thúc đẩy sự tan rã của địch, tạo tiền đề cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Phố Lu và tiến đánh đồn Nghĩa Đô, góp phần quan trọng đưa chiến dịch Sông Thao đến toàn thắng, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, giải phóng trên 600 km2 và hàng chục vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Đây là một trang sử hào hùng của nhân dân các dân tộc Phố Ràng nói riêng và của huyện Bảo Yên nói chung.
Mảnh đất Phố Ràng – nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt năm xưa, nay đã thay da đổi thịt, trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bảo Yên, cửa ngõ giàu đẹp phía nam của tỉnh Lào Cai. Phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 73 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vững mạnh. Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 13,35%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; quy mô nền kinh tế năm 2022 tăng trưởng gấp hơn 2,5 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân người dân đạt trên 39 triệu đồng/năm (tăng 18,8 triệu đồng so với năm 2015). Giá trị sản xuất ngành nông – lâm nghiệp đạt 3.003 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 75 triệu đồng (tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2015). Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, đến hết năm 2022, Bảo Yên có 7/16 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; giáo dục mũi nhọn trong nhóm dẫn đầu của tỉnh. Hiện nay, Bảo Yên có 100% xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; 11/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; đến nay, có 43/71 trường trong huyện đạt chuẩn quốc gia. Cùng với đó, chất lượng dịch vụ y tế được nâng cao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được đẩy mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.
Đồng chí Tô Ngọc Liễn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động đã tạo nên những gam màu tươi sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội những tháng đầu năm; đồng thời tiếp tục khẳng định chiến lược thực hiện mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế đi đúng hướng, tạo nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi, vươn đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo…
Trước những thời cơ, vận hội mới, Bảo Yên có nhiều dư địa để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ. Là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh với hệ thống giao thông kết nối từng bước được đầu tư; Đảng bộ huyện có truyền thống đoàn kết, gắn bó; Nhân dân trong huyện anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập, năng động để làm giàu cho quê hương. Những yếu tố đó là điều kiện để Bảo Yên đi lên trên nền tảng nội lực của chính mình trong bối cảnh mới.
Với tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Yên sẽ nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, xây dựng Bảo Yên trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện và sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh.