Thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch
Nhiều dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đã đi vào hoạt động góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch: Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan legend; Khu du lịch sinh thái Topas Ecologe, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); các khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (Hotel de la coupole – Mgallery by sofite, Silk Path, Pao’s Sa Pa và Khách sạn Quốc tế Aristo…). Hệ thống nhà hàng Âu, Á, dịch vụ ẩm thực dân tộc phát triển đa dạng, phong phú; các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, casino, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm… đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Các dự án đang triển khai như: Công viên văn hóa Sa Pa, Khu du lịch đồi con gái (Sa Pa); Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn (TP. Lào Cai), sân golf Bản Qua (Bát Xát), Công viên văn hóa Mường Hoa (Sa Pa)…
Khu vui chơi giải trí cáp treo Fansipan legend.
Tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch
Nhiều sự sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công tạo được tiếng vang trong nước; Năm Du lịch quốc gia “Lào Cai – Tây Bắc” tại Lào Cai được tổ chức thành công, quy mô và ấn tượng thu hút sự tham gia vào cuộc của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như: Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà; Giải Marathone leo núi quốc tế (VMM), Giải đua xe đạp quốc tế một vòng đua hai quốc gia Việt Nam – Trung Quốc, Giải đua xe đạp vượt núi quốc tế theo cung đường thành phố Lào Cai – Bát Xát – Y Tý – Bản Khoang – Sa Pa,… Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh đã hoàn thành đưa và hoạt động bộ 3 phần mềm ứng dụng du lịch thông minh trong quảng bá, xúc tiến và quản lý các hoạt động du lịch.
Hình thành các sản phẩm du lịch mang “thương hiệu” Lào Cai
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái được đầu tư, phát triển. Số lượng các cơ sở lưu trú du lịch nghỉ dưỡng tăng lên nhanh chóng với hơn 1.300 cơ sở lưu trú du lịch, hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao được đầu tư, các thương hiệu hàng đầu về kinh doanh lưu trú đã có mặt tại Lào Cai như Victoria, Acord, Intercontinental…, kéo theo các tiêu chuẩn của chuỗi tập đoàn kinh doanh khách sạn quốc tế được áp dụng tại Lào Cai. Do đó, chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch nguồn nhân lực du lịch đã được nâng lên và thay đổi đáng kể thời gian vừa qua.
Sản phẩm du lịch cộng đồng được quan tâm phát triển đúng định hướng gắn với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Lào Cai, với trên 20 điểm du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên… hơn 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số kinh doanh lưu trú tại gia (homestay) trên địa bàn toàn tỉnh.
Du lịch cộng đồng thu hút khách quốc tế.
Sản phẩm du lịch văn hóa được xây dựng và khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch mang đặc sắc như: Chương trình “hành trình khám phá cung đường di sản Văn hóa ruộng bậc thang – Tây Bắc; chương trình du lịch khám phá nét văn hóa của chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch: Chợ Văn hóa Bắc Hà; Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai); Chợ Pha Long (Mường Khương); Chợ Mường Hum, Y Tý (Bát Xát)… Chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng thông qua các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh phục vụ du khách tại Đền Thượng, Đền Mẫu, Đền Đôi Cô, đền Cô Tân An, Đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai); kết hợp với các Đền: Đông Cuông, Nhược Sơn và Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Tam Giang, Đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ)… Các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa truyền thống được duy trì và phát triển bền vững như: Lễ Tết nhảy người Dao Đỏ, lễ hội Gầu Tào người Mông, Lễ hội Xuống đồng (lồng tồng) Tày (Tà Chải Bắc Hà), lễ hội Roóng Poọc người Giáy (Tả Van, Sa Pa) Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì (Y Tý, Bát Xát).
Các sản phẩm du lịch chuyên đề như Chương trình du lịch “Sắc hoa Tây Bắc” thông qua các lễ hội Hoa phục vụ du khách tại các địa điểm: Lễ hội hoa Xuân tại Đường An Dương Vương, thành phố Lào Cai; Lễ Hội hoa Sa Pa tại khu vực Ga đi của cáp treo Fansipan, thị trấn Sa Pa nhằm giới thiệu trưng bày các loài hoa Lan, hoa Anh Đào và hoa Đỗ Quyên của tỉnh Lào Cai; Chương trình du lịch chuyên đề “Mùa hoa Đỗ Quyên” tại Vườn Quốc Gia Hoàng Liên (Sa Pa), rừng già Y Tý (Bát Xát); điểm tham quan thung lũng hoa Bắc Hà, Công viên Hồ Na Cồ (Bắc Hà); Chương trình ngắm hoa Tam giác mạch tại các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai kết nối với Hà Giang.
Cũng trong hành trình sáng tạo, Lào Cai còn có những sản phẩm du lịch làm nên thương hiệu như du lịch chinh phục đỉnh cao, du lịch thể thao, du lịch gắn với các nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực…
Thời gian tới, ngành du lịch Lào Cai tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh để xây dựng hệ thống sản phẩm đặc trưng, khác biệt nhằm tạo ra điểm nhấn về du lịch của vùng Tây Bắc. Trong đó, tập trung phát triển 8 nhóm sản phẩm du lịch (nghỉ dưỡng cao cấp; văn hóa, cộng đồng; sinh thái, nông nghiệp, làng nghề; du lịch thể thao; hội thảo, sự kiện; mua sắm; du lịch thực tế ảo – du lịch thông minh và du lịch biên giới) với mục tiêu đến năm 2030 đưa vào khai thác khoảng 140 sản phẩm du lịch mới./.