Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm Cụm liên trường phường Kim Tân (thành phố Lào Cai). Ảnh: Tất Đạt |
Suốt hơn 2 năm qua, “đám mây đen” dịch Covid-19 bao phủ, tác động tiêu cực, làm đảo lộn toàn bộ nền kinh tế thế giới và trong nước, tỉnh Lào Cai cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề. Một số khu vực kinh tế thế mạnh của tỉnh, lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn như du lịch – dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, sản xuất công nghiệp, vận tải – logistics bị điêu đứng. Các hoạt động văn hóa – xã hội bị đình trệ, đặc biệt, hoạt động y tế liên tục căng thẳng và quá tải…
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy Lào Cai phát triển. |
Trong hoàn cảnh đó, cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực, kiên trì, đoàn kết, linh hoạt, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức bằng nhiều cách làm giàu sáng tạo, mang tính tiêu biểu, điển hình. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh luôn ở mức cao trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, năm 2021 đạt 5,33%, đứng thứ 8 trong vùng gồm 14 tỉnh và đứng thứ 27 toàn quốc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 40.800 tỷ đồng; do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm qua lượng khách du lịch đến tỉnh chỉ đạt khoảng 1,5 triệu lượt (năm 2019 đạt gần 5 triệu lượt khách); giá trị hàng hóa xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 3,5 tỷ USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9.939 tỷ đồng.
Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. |
Sau đại dịch, kinh tế Lào Cai dần bước vào quỹ đạo phục hồi ổn định, thích ứng linh hoạt với bệnh dịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trung bình 7,14%, riêng quý II đạt 9,18%.
Chú trọng hệ thống dịch vụ, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất – nhập khẩu 2 chiều. |
Hơn 2 năm xảy ra đại dịch, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng công tác lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vẫn luôn đặc biệt coi trọng việc đảm bảo sức khỏe Nhân dân, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do bệnh dịch; đảm bảo an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, quan tâm gia đình chính sách, người yếu thế trong xã hội. Tỉnh ủy đã ban hành riêng nghị quyết về giảm nghèo bền vững cho những xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%; Đề án về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025 tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. UBND tỉnh cũng có kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh, trong đó tập trung giải quyết các nhóm tiêu chí theo chuẩn nghèo đa chiều. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.
Thành phố biên cương Lào Cai văn minh, hiện đại. Ảnh: Ngọc Bằng |
Sự nỗ lực, quyết tâm chính trị cao đã làm nên những điều kỳ diệu, điều đó càng thấy rõ hơn trong 3 thập niên qua, từ một tỉnh nghèo, khó khăn hàng đầu của cả nước, sau ngày tái lập, tỉnh Lào Cai đã “vươn mình lớn dậy” trở thành điểm sáng của vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Trong tiến trình đổi mới, tỉnh Lào Cai có nhiều cách làm hay, sáng tạo, một số mô hình mới được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, nhiều tỉnh, thành quan tâm, học hỏi. Trong phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ tỉnh lấy việc xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm làm đột phá cho từng khóa, cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ cách thức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát; chủ động việc nêu gương. Một điển hình đổi mới phương thức lãnh đạo khác là trong ban hành cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Như việc xây dựng triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách trong huy động nguồn lực phát triển, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng giữa các thành phần kinh tế với khẩu hiệu có tính lan tỏa “Doanh nghiệp phát tài – Lào Cai phát triển”.
Các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. |
Nổi bật về đổi mới, sáng tạo trong phương thức lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội là việc tỉnh đã xác định đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương để tập trung khai thác hiệu quả. Lào Cai đang tập trung khai thác 4 trụ cột là: Kinh tế cửa khẩu, sản xuất công nghiệp, du lịch – dịch vụ và sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để hiện thực hóa các mục tiêu, tỉnh đã ưu tiên cho phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực lãnh đạo, quản lý lĩnh vực trọng tâm, then chốt. Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối vùng và cả nước, trong đó tỉnh đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương để triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như nâng cấp 4 làn xe cao tốc Nội Bài – Lào Cai (đoạn từ tỉnh Yên Bái); xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa; đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với trung tâm thị xã Sa Pa; hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt kết nối thành phố Lào Cai với huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc)… Sự đổi mới của Lào Cai trong phát triển kinh tế – xã hội còn phải kể tới những cách làm sáng tạo trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; trong chủ động ứng phó với phòng, chống Covid-19 đồng thời với đẩy mạnh xuất – nhập khẩu hàng hóa…
Coi trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. |
Đổi mới, sáng tạo là nền tảng cơ bản của phát triển đổi mới, sáng tạo đúng hướng trong thời gian qua đã hình thành cho Lào Cai một hình ảnh, sức sống, cơ đồ, tiềm lực, vị thế mới để tỉnh tự tin, vững bước, hướng về khát vọng, tương lai.
Nội dung: Cao Cường
Trình bày: Ngọc Luyến