Cán bộ người dân tộc không ngừng nâng cao cả về “chất và lượng”
Chủ tịch xã Phìn Ngan Vàng Láo Lở (thứ 2 từ phải sang) luôn gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật, anh Vàng Láo Lở dân tộc Dao trở về địa phương (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát) công tác. Kinh qua nhiều vị trí, từ cán bộ Tư pháp, cán bộ Đoàn của xã rồi Phó Chủ tịch xã. Năm 2019, anh Lở được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan. Cùng với tập thể lãnh đạo xã, anh Lở đã mạnh dạn đưa các giống cây con mới vào để bà con gieo trồng, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Nếu như những năm trước, Phìn Ngan luôn được coi là vùng đất dữ, thiên tai lũ ống thường xuyên xảy ra, người dân không an tâm sản xuất. Đến thời điểm này, Phìn Ngan đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành vùng đất tiềm năng với nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho đồng bào các dân tộc địa phương. Hiện nay, xã Phìn Ngan có 648 hộ dân thì có tới trên 200 hộ trồng quế, với tổng diện tích lên đến 450 ha, chỉ vài năm nữa thôi với diện tích quế này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ có cây quế, nhiều mô hình phát triển kinh tế mới cũng đã và đang được mở ra như: Nuôi các nước lạnh, khai thác, chế biến và mở dịch vụ tắm lá thuốc Dao đỏ, du lịch cộng đồng…
Anh Lở tâm sự với chúng tôi: “Xã Phìn Ngan có trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm nay bà con vẫn mang nặng tư duy sản xuất theo hướng tự cung tự cấp. Chính vì vậy, dù vất vả những đời sống bà con còn rất nhiều khó khăn. Để bà con tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa thì trước tiên đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Khi thấy hiệu quả thì tự nhiên bà con sẽ hưởng ứng làm theo”.
Sinh năm 1986 trong gia đình đông anh em ở huyện vùng cao Si Ma Cai, với tinh thần vượt khó vươn lên, anh Giàng Seo Châu đã có được tấm bằng Thạc sỹ nông nghiệp. Anh cũng là Thạc sỹ người Mông đầu tiên của huyện vùng cao biên giới này. Về địa phương công tác, qua nhiều vị trí công việc đến nay anh Châu là Bí thư xã Quan Hồ Thẩn. Với chuyên môn về nông nghiệp, anh đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó, có những cây trồng ôn đới như lê Tai Nung, cây dược liệu tam thất, đương quy… mang lại giá trị kinh tế cao.
Bí thư xã Quan Hồ Thẩn Giàng Seo Châu (thứ 3 từ trái sang) và đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc thăm mô hình trồng lê Tai Nung.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Châu cho biết: “Trên này khí hậu mát mẻ rất phù hợp với các cây trồng dược liệu, cây ăn quả ôn đới. Đây lại là những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây ngô, cây lúa. Bây giờ, quả lê Tai Nung, củ tam thất, đương quy ở Quan Hồ Thẩn đã trở thành thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Vừa qua, chúng tôi còn tổ chức Lễ hội hoa lê thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh tới trải nghiệm và khám phá…”.
Anh Lở, anh Châu chỉ là hai trong hàng nghìn cán bộ người dân tộc thiểu số đã và đang góp phần làm “thay da, đổi thịt” vùng nông thôn miền núi Lào Cai. Điều này cho thấy công tác đào tạo, quy hoạch và sử dụng cán bộ người dân tộc của tỉnh Lào Cai đã và đang đi đúng hướng và cho “quả ngọt”.
Theo thống kê, hiện tỉnh Lào Cai có 25.453 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, tỉnh; trong đó, có 7.744 là người dân tộc thiểu số, chiếm 30,42%. Cấp xã có 3.166 cán bộ, công chức (gần 2.600 người có trình độ Đại học) với 1.932 người là dân tộc thiểu số chiếm 61,02%.
Chỉ thị 34 góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc
Để cụ thể hóa công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ người dân tộc trên địa bàn, ngày 13/12/2013, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về “Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Có thể nói, đây là “Kim chỉ nam” để các địa phương trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác cán bộ.
Ông Giàng A Giả, Trưởng Ban tổ chức huyện ủy Si Ma Cai cho biết: “Si Ma Cai với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc luôn được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã từng bước được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị, có năng lực thực tiễn, năng động, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực trong tình hình mới. Trong đó công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số những năm gần đây đã có những chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ dân tộc đã tăng cả về số lượng và chất lượng, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực thực thi công vụ được nâng lên.
Tổng số cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và cán bộ công chức cấp xã của huyện hiện có 1.497 người; trong đó, cán bộ dân tộc thiểu số là 903 người, chiếm 60,3%. Với Chỉ thị 34 của Tỉnh ủy, chất lượng cán bộ được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số được ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao…”.
Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ, có thể nói đến nay đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã trưởng thành về mọi mặt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn. Bên cạnh đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số cơ bản được bố trí đồng đều ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực nhất là ở cơ sở.
Với các chủ trương, chính sách đúng đắn về công tác cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai tăng lên hàng năm. Hầu hết cán bộ dân tộc thiểu số hiện nay đã đủ tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức. Nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số đã có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ. Việc sử dụng và phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ dân tộc đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.