Sa Pa – bồng bềnh trong mây (Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp)
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
Du lịch Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón khoảng 12 triệu lượt khách, trở thành một trong 10 điểm đến của Việt Nam được du khách yêu thích nhất, là trung tâm du lịch thiên nhiên và văn hóa miền núi lớn nhất Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch riêng về phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Trên cơ sở nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa đa dạng, độc đáo sẽ tổ chức khai thác và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch bền vững, đồng bộ giữa việc bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời với việc đẩy mạnh bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng – an ninh, an sinh xã hội. Bên cạnh các sản phẩm du lịch đã được khai thác, sẽ tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm mới có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh cao, trong đó ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch gắn lợi thế về tiềm năng thiên nhiên, văn hóa của Khu du lịch quốc gia Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, đảm bảo tính bền vững, có khả năng thu hút khách chi tiêu cao và khách trở lại nhiều lần.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Theo ông Hà Văn Thắng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Lào Cai có rất nhiều lợi thế về tài nguyên và còn tiềm năng khai thác rất lớn để có thể xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của Lào Cai. Trong giai đoạn tới, ngành VH, TT&DL sẽ lựa chọn tập trung khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch dựa trên 3 thế mạnh về bản sắc văn hoá các dân tộc, khí hậu và cảnh quan thiên nhiên. Trong đó điểm nhấn là phát triển nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng – chăm sóc sức khoẻ để tận dụng lợi thế khí hậu và thiên nhiên ưu đãi và nhóm sản phẩm du lịch ẩm thực nhằm đưa Lào Cai trở thành một trong những “điểm đến ẩm thực” hấp dẫn nhất”.
Với 6 nhóm sản phẩm du lịch sẵn có, ngành du lịch sẽ tập trung vào việc duy trì và nâng cấp sản phẩm. Trong nhóm sản phẩm du lịch lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, tập trung cho “Kinh đô du lịch mùa hè của Việt Nam” – Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Duy trì và nâng cao chất lượng khai thác các sản phẩm du lịch văn hóa – cộng đồng như chương trình du lịch tâm linh dọc sông Hồng, chương trình du lịch gắn với các lễ hội văn hóa truyền thống, các mô hình du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN ở Sa Pa, Bắc Hà… Đẩy mạnh quảng bá, khai thác hiệu quả các thương hiệu sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm như giải marathon vượt núi quốc tế VMM – “Giải chạy khắc nghiệt nhất hành tinh”, giải đua xe đạp liên quốc gia Việt Nam – Trung Quốc “Một đường đua, hai quốc gia”…
9 nhóm sản phẩm du lịch mới sẽ tập trung khai thác để phát huy tối đa hiệu quả giá trị của di sản văn hóa, thiên nhiên nhằm xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, đặc sắc và hấp dẫn. Mỗi địa phương lựa chọn để xây dựng những sản phẩm đặc trưng nhất, mang tính biểu tượng của văn hóa, vùng đất đó như thành phố Lào Cai sẽ là sản phẩm du lịch biên giới gắn với mua sắm, với biểu tượng “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”; Khu du lịch quốc gia Sa Pa là “thiên đường nghỉ dưỡng núi” với những sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh mang tầm cỡ quốc tế; Bát Xát gắn với du lịch Y Tý, văn hóa của người Hà Nhì… Ngoài ra, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, biệt thự, khu nghỉ dưỡng cao cấp quy mô từ 4 – 5 sao tại đô thị du lịch Sa Pa, thành phố Lào Cai, mở rộng phát triển nghỉ dưỡng sang Y Tý (Bát Xát). Đây đều là các sản phẩm có sức hút với đối tượng khách có khả năng chi trả cao.
Bên cạnh việc phát triển các mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN, phát triển các sản phẩm gắn với khai thác hệ thống di tích, danh thắng, di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội, làng nghề truyền thống, chợ phiên thì các loại hình ẩm thực phong phú, độc đáo của đồng bào các dân tộc sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch ấn tượng. Lào Cai đặt mục tiêu đưa các món ăn như xôi màu, thắng cố, các món ăn chế biến từ nguồn nguyên liệu phong phú từ rau xanh đến gia súc, gia cầm, cá suối, cá hồi Sa Pa… trở thành các “thương hiệu” ẩm thực được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước. Một số sản phẩm du lịch đã gắn liền với thương hiệu du lịch Lào Cai như lễ hội chợ tình Sa Pa, Festival “Vó ngựa cao nguyên trắng” Bắc Hà, Festival “Y Tý Đại ngàn” Bát Xát, Giải chạy vượt núi marathone quốc tế VMM, Giải xe đạp quốc tế “một vòng đua hai quốc gia… sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh để phát triển thành thương hiệu đặc thù hấp dẫn nhất của Lào Cai. Hệ thống sản phẩm phong phú, khai thác hiệu quả sẽ là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy du lịch Lào Cai phát triển nhanh và bền vững./.