Tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2019 đạt 5.106.851, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt 806.106 lượt, tăng 11,4%. Tổng thu từ khách du lịch của tỉnh Lào Cai liên tục tăng qua các năm, đạt 19.203 tỷ đồng năm 2019 tăng 43% so với cùng kỳ, tăng gấp 30,1 lần so với năm 2008 (434 tỷ đồng). Tổng thu từ khách du lịch tăng do số lượng khách du lịch đến Lào Cai tăng đồng thời mức chi tiêu bình quân cũng như số ngày lưu trú bình quân của khách tăng qua các năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch trong giai đoạn 2006-2015 đạt gần 35%, giai đoạn 2015-2019 là 26,7 %. Mức chi tiêu bình quân của khách du lịch đến Lào Cai năm 2019 là: 1.503.000 đồng; Số ngày lưu trú bình quân 2,1 ngày.
Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà 2019
Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, môi trường du lịch được cải thiện, nhận thức về du lịch được đổi mới có chuyển biến tích cực, từng bước tạo được sự đồng thuận trong xã hội; quy hoạch du lịch tỉnh, quy hoạch Khu du lịch quốc gia Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch đô thị du lịch được xây dựng theo hướng phân vùng các điểm du lịch trọng điểm, chú trọng và hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch thể thao, du lịch đi bộ dã ngoại, tham quan bản làng, du lịch biên giới, du lịch tâm linh và du lịch mua sắm thương mại. Tỉnh Lào Cai đã thu hút trên 30 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai, với tổng nguồn vốn thu hút đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt gần 30.000 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư và cải thiện đáng kể. Tỉnh đã chú trọng trong công tác đầu tư phát triển du lịch bằng cách thu hút các nhà đầu tư, tiếp nhận các dự án tài trợ nước ngoài. Số vốn đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, nhà hàng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2006-2010 đạt trên 10.000 tỷ đồng, giai đoạn 2010-2015 đạt 10.415 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2015 đã thu hút trên 20 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai. Trong đó điển hình nhất là dự án xây dựng cáp treo Fansipan với vốn đầu tư là 4.400 tỉ đồng của tập đoàn Sun Group.
Khu du lịch cáp treo Fansipan
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Số lượng đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phát triển mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 02 doanh nghiệp nội địa, 1.248 cơ sở lưu trú du lịch với số phòng là 13.054. Hệ thống nhà hàng Âu, Á, dịch vụ ẩm thực dân tộc phát triển đa dạng, phong phú. Hàng loạt khu vui chơi giải trí đã và đang được hình thành như: Cáp treo Fansipan; Khu du lịch sinh thái Thanh Kim, Hàm Rồng, Cát Cát (Sa Pa); Hồ Na Cồ (Bắc Hà), công viên Nhạc Sơn; các khu tổ hợp dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, tắm thuốc dân tộc, casino, dịch vụ mua bán hàng thổ cẩm…đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai khai thông là cơ hội thuận lợi để du lịch Lào Cai có bước phát triển đột phá. Cùng với hệ thống đường giao thông được cải thiện, số lượng các phương tiện vận chuyển khách du lịch cũng được đầu tư cả về chất lượng và số lượng. Ngoài những chính sách và hoạt động đầu tư phát triển du lịch trong tỉnh, trong những năm qua, những đầu tư của nhà nước và tư nhân trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xóa đói giảm nghèo, phát triển văn hóa… có những tác động tích cực trong việc phát triển du lịch của tỉnh.
Trong thời gian tới, Lào Cai tập trung xây dựng tỉnh trở thành trọng điểm du lịch của vùng Tây Bắc, Sa Pa thành khu du lịch Quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa dân tộc Lào Cai; đến năm 2020, du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối ngành dịch vụ của tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 là ngành kinh tế đột phá, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội./.