Với quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, tỉnh Lào Cai luôn xem trọng nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, xác định rõ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Qua 01 năm thực hiện Nghị quyết 09, nhận thức về vai trò của văn hóa trong đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc về trách nhiệm về xây dựng và phát triển, văn hóa con người Lào Cai đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh được nâng lên, thể hiện rõ trong nhận thức và hành động. Truyền thống yêu nước, cách mạng, năng động, sáng tạo của Lào Cai tiếp tục được bồi đắp, phát huy. Lòng nhân ái, tình yêu thương đồng bào, đồng chí được vun đắp và tiếp tục phát triển. Đức tính nghĩa tình từng bước trở thành nét văn hóa phổ biến, đặc trưng của người dân Lào Cai, thể hiện qua nhiều phong trào.
Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng và được đông đảo Nhân dân hưởng ứng.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa đạt kết quả quan trọng, đời sống văn hóa ở cơ sở được cải thiện, nâng cao. Các phong trào thi đua yêu nước với sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đem lại hiệu quả thiết thực. Xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người tốt việc tốt, góp phần xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi cá nhân, gia đình.
Hoạt động văn học – nghệ thuật phong phú, sôi động, có nhiều sáng tạo. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước được củng cố. Hoạt động của hệ thống bảo tàng, thư viện, các đoàn nghệ thuật, các trung tâm, nhà văn hóa… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tiếp tục được chú trọng với sự nhất quán trong phương châm chỉ đạo, đó là bảo tồn gắn với phát triển – phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Các di sản văn hóa được bảo tồn trong cộng đồng trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Nhận thức sâu sắc “Văn hóa không đứng ngoài mà phải trong kinh tế và chính trị”. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đã quán triệt, thực hiện nghiêm việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, tận tụy, gần dân, sát dân, có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, xây dựng doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước. Xây dựng và phát triển các thương hiệu hàng hóa có uy tín trên thị trường trong nước, khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã thực hiện tốt văn hóa ứng xử trong giao tiếp, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm quyền lợi, chế độ của người lao động góp phần xây dựng trật tự văn hóa văn minh trong hoạt động kinh tế. Từng bước tạo dựng, hình thành sản phẩm văn hóa đặc trưng Lào Cai; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh Lào Cai – Chương trình văn nghệ đặc sắc tại Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022 tại Lào Cai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của tỉnh cũng còn tồn tại một số hạn chế như: việc cụ thể hóa các chỉ tiêu, nội dung, giải pháp trong Nghị quyết 09-NQ/TU tại một số ngành, địa phương còn chậm và chưa cụ thể thành các kế hoạch, đề án, chương trình, chưa sát với yêu cầu của Nghị quyết cũng như thực tiễn của địa phương, đơn vị; việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở một số địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người có tiêu chí hiệu quả chưa rõ nét, tình trạng tảo hôn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ở một số ít địa phương. Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hiệu quả chưa cao. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hoá còn hạn chế, thiết chế văn hoá trên địa bàn một số huyện chưa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của người dân. Tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và mặt trái của kinh tế thị trường dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực, lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh thâm nhập làm xói mòn, phai nhạt giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong thời tới tỉnh Lào Cai đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, như: Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lào Cai nhằm hiện thực hóa khát vọng vươn lên mạnh mẽ xây dựng Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.
Xây dựng con người Lào Cai mang đậm nét đặc trưng của con người vùng đất biên cương Tổ quốc: “Đoàn kết – Yêu nước – Kỷ cương – Văn minh – Hiếu khách”. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Lào Cai có thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, có nhân cách, lối sống đẹp, hiểu biết và tự hào về văn hóa, truyền thống lịch sử địa phương; khơi dậy niềm tin và khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển Lào Cai trở thành tỉnh khá của cả nước. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng con người, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Gắn kết chặt chẽ, linh hoạt việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 09-NQ/TU với các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, đề án về văn hóa, trọng tâm là: Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chương trình 201-CTr/TU ngày 15/9/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; các đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025,…
Tạo lập môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa văn minh, hiện đại, giàu bản sắc hướng đến phát triển toàn diện con người Lào Cai. Xác định xây dựng môi trường văn hóa là cơ sở để hình thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương, cộng đồng là một môi trường văn hóa lành mạnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng chung thuỷ, nghĩa tình, anh em hòa thuận, sẻ chia. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, hội nhập. Động viên, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm có uy tín, chất lượng, mang đặc trưng văn hóa, con người Lào Cai.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát huy giá trị tốt đẹp trong văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương.
Kết quả thực hiện một số mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU hết năm 2021: – 76,7% thôn, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt 95,87% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025, đạt 90,23% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2030). – 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn và duy trì danh hiệu văn hóa (đạt 95% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025 và năm 2030). – 96% trường học đạt danh hiệu “đơn vị đạt chuẩn văn hóa” (đạt 96% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025). – 71,4% di tích cấp quốc gia được tu bổ, phục hồi. – 74% di tích cấp tỉnh được tu bổ, phục hồi. – 97% người dân trong tỉnh được nghe đài phát thanh. – 93% người dân được xem truyền hình. – 35,7% số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên trên dân số toàn tỉnh (đạt 95,2% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025 và đạt 89,25% so với mục tiêu đề ra đến năm 2030). – 83,7% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 97,3% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2030). |