Một bức tường thành của phế tích đồn Trấn Hà. |
Đồn Trấn Hà có từ đời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng, trấn Bảo Hà là trung tâm của châu Văn Bàn. Theo sử sách ghi lại, chu vi của lũy đất tổng cộng dài 41 trượng, thân lũy cao 6 xích, chân lũy rộng 7 xích, bề dày 4 xích, phía trước sau và bên trái đều có cửa, tất cả đặt pháo đài… Vị trí của pháo đài nằm ngay trên một gò đồi khá cao cách bờ sông Hồng 50 m. Với vị trí này, việc quan sát dọc tuyến sông Hồng cũng như việc án ngữ của thành lũy có vai trò rất quan trọng trong chiến lược quân sự và sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Hiện, di tích đồn Trấn Hà còn sót lại bức tường thành trình bằng đất sét có niên đại khoảng thế kỷ XV, làm bằng đất đỏ trộn với sỏi, trình tường dày 60 cm, chiều cao còn lại 4 m, chiều dài khoảng 8 m, trên thành tường còn có các lỗ pháo đài có kích thước cao 60 cm, rộng 30 cm được bố trí lệch nhau. Trải qua thời gian, lũy đất tường thành cũng đã bị đổ gãy nhiều đoạn.
Xã Tân An đã giao cho người dân tham gia bảo vệ di tích đồn Trấn Hà. |
Việc công nhận phế tích đồn Trấn Hà là di tích lịch sử – văn hóa có ý nghĩa trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa vật thể. Xã Tân An đã giao cho người dân tham gia bảo vệ di tích đồn Trấn Hà, làm tường rào ngăn sự xâm hại và tránh gây nguy hiểm cho người dân, phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn di tích. Đồng thời, tạo điều kiện để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đến khảo cứu; kêu gọi đầu tư tôn tạo, mở đường, tạo thành điểm đến trong hành trình khám phá khu du lịch tâm linh tại Tân An.