Mùa hoa mận ở Tả Van Chư. |
Ngược núi lên cao nguyên Bắc Hà, chúng tôi tìm đến vườn mận lớn nhất Tả Van Chư, nơi đây như một thung lũng thu nhỏ. Bước nhẹ qua hàng mận dẫn lối đến nhà chủ vườn Vàng Seo Pao, tôi nhìn xung quanh những cây mận khẳng khiu, xù xì, gai góc, đã có lúc tưởng như là những khúc gỗ không còn sự sống. Vậy nhưng, ẩn sau đó là một sức sống mãnh liệt, là những nụ hoa nhỏ đang ngậm gió, ngậm sương để chuẩn bị bung nở khoe hương sắc, hẹn một mùa hoa rực rỡ.
Con gái chủ vườn là Vàng Thị Say chạy ra đón khách. Khi chúng tôi khen gia đình có vườn mận đẹp nhất vùng, Say có chút đượm buồn và tỏ ra tiếc nuối: Nếu ngày xưa bố em không chặt bớt cây, giờ nơi này đã có hàng mận dày và đẹp hơn rất nhiều!
Tuổi thơ của Say là những ngày nô đùa, vui chơi bên gốc mận và chứng kiến hình ảnh bố tỉ mẩn chăm bón từng gốc cây. Thế nên, cô gắn bó từng gốc mận, chứng kiến sự lớn lên, đổi thay của khu vườn mỗi ngày.
Du khách check- in tại vườn mận. |
Trong căn nhà nhỏ núp dưới những tán mận, Say nhóm đống lửa to ngay góc nhà. Ngọn lửa ấm áp kết nối câu chuyện của chúng tôi với gia đình. Ông Vàng Seo Pao không thể nào quên ngày cuốc bộ xuống Lùng Cải (Bắc Hà) mang về 5 cây mận giống trồng thử trong vườn. Hai giờ đồng hồ đi bộ vác cây với mong muốn trồng được loại quả ngon cho gia đình, không ngờ giờ đây ông có vườn mận thu hút khách khắp nơi đến trải nghiệm vào mùa hoa nở.
Ít ai biết rằng, 16 năm trước, vườn mận trước mặt là ruộng ngô. Mỗi vụ ngô chỉ đủ để nuôi gia súc trong nhà. Thế rồi, những cây mận được mang về trồng, mỗi năm ông Pao lại ươm thêm cây, chiết thêm cành để nhân rộng vườn mận. Hơn chục năm trôi qua, từ 5 cây mận giống, ông đã có vườn mận hơn 200 cây. Nhờ vườn mận, mỗi năm ông thu được gần 1 tấn quả, những năm được giá, mỗi mùa mận gia đình thu về hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, giá quả mận bấp bênh, có những năm lại mất mùa, cây không sai quả, ông đành chặt bớt một số cây mận để có đất trống trồng loại cây khác.
Vài năm trở lại đây, những ngày đầu xuân, khách du lịch khắp nơi “rỉ tai” nhau về vườn hoa mận đẹp như “thiên đường” ở Tả Van Chư và “thiên đường hoa” này nhanh chóng đón thêm nhiều khách du lịch từ phương xa đến. Gia đình ông Pao nhận ra trồng mận không chỉ cho thu quả, mà còn phục vụ du khách chụp ảnh, ngắm hoa lúc xuân về. Gắn bó với vườn mận từ khi lên 4 – 5 tuổi, giờ Say đã là thiếu nữ tuổi 20. Mùa mận nở hoa, Say mua thêm hơn chục bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông để phục vụ du khách thuê chụp ảnh. Cao điểm có ngày vườn mận đón 200 – 300 lượt khách. Mỗi lượt thuê trang phục 50 nghìn đồng, mỗi lượt khách vào vườn gia đình nhận thêm 20 nghìn đồng. Vậy là, ngoài bán mận, mỗi mùa hoa nở, vườn thu thêm khoảng 20 triệu đồng từ đón khách.
Vườn mận – nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp. |
Mận chỉ nở hoa vào dịp đầu xuân, khi đất trời giao hòa giữa cái nắng nhẹ đẹp như mơ. Để có được thời gian gần một tháng hoa mận nở đều, đẹp đón du khách vào khám phá là cả sự chăm sóc, vun xới cực nhọc của ông Pao suốt 11 tháng ròng. Ông Pao tỉa bớt những cành cây gãy, làm sạch cỏ, bón phân, vun gốc, xếp thêm đá để tạo cảnh quan cho du khách đến với vườn mận sẽ có những góc chụp ảnh đẹp nhất.
Có kinh nghiệm nhiều năm đi làm thuê tại một số hộ làm du lịch ở Bắc Hà, Say cũng ấp ủ mở một mô hình du lịch ngay tại nhà, nhưng đến giờ mọi thứ vẫn chỉ là ước mơ. Say tâm sự: Khi có điều kiện, em muốn làm thêm dịch vụ ăn trưa cho khách, cải tạo thêm cảnh quan, xếp thêm đá để tạo các điểm check-in. Nếu nhà em có thể sửa để làm homestay thì tốt, em sẽ không đi làm thuê nữa mà chuyên tâm vào công việc ở nhà.
Ngoài gia đình Say, một số hộ xung quanh cũng bắt đầu chăm chút hơn cho vườn mận để mùa hoa nở đón du khách vào tham quan. Những nương, vườn hoa mận đã “lôi kéo” du khách đến với Tả Van Chư. Say hy vọng rằng, sau này cô sẽ cùng với bà con có thể giúp du khách thỏa lòng khi ghé thăm những căn nhà mộc mạc bên sườn núi, khám phá những đồ dùng sinh hoạt độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, rồi cùng thưởng thức ẩm thực vùng cao. Nếu mở rộng các dịch vụ phục vụ khách ngắm hoa mận nở thì đây sẽ là nguồn thu đáng kể cho gia đình và bà con xung quanh cùng trồng mận.
Rời cuộc trò chuyện với gia đình Say, chúng tôi tiếp tục quay ra vườn mận, trên cây, nụ đã đầy cành. Mùa xuân đang về. Chỉ ít ngày nữa thôi, những nụ sẽ nở hoa tràn lối đi vào bản, sà vào cả hiên nhà, hòa với màu áo xanh, áo đỏ của phụ nữ Mông đi chơi xuân và cả du khách gần xa, tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu trên rẻo cao. Chắc chắn nơi này sẽ trở thành điểm nhấn trên hành trình của nhiều du khách trong những ngày du xuân đầu năm.