Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV diễn ra từ ngày 20/10 đến 15/11. |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã tập trung giải quyết những vấn đề gì?
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Sùng A Lềnh: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác. Quốc hội cũng đã thực hiện giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Cụ thể, về công tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Quốc hội cũng đã thông qua nội quy kỳ họp Quốc hội, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; cho ý kiến đối với: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Dự án Luật Phòng thủ dân sự…
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. |
Quốc hội cũng đã xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định một số vấn đề quan trọng của quốc gia. Đó là biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
PV: Đóng góp nổi bật của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?
ĐBQH Sùng A Lềnh: Trên tinh thần chủ động, làm việc khoa học, phát huy trí tuệ, các ĐBQH của tỉnh đã tập trung đầu tư nghiên cứu tài liệu, kết hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tham vấn chuyên gia… để chuẩn bị nội dung phát biểu sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, có tính xây dựng và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực, khả thi, đặc biệt là đã chuyển tải đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh đến Quốc hội để xem xét thảo luận.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. |
Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đã tham gia đầy đủ 42/42 buổi làm việc trực tiếp tại Nhà Quốc hội, các đại biểu của tỉnh đã phát biểu trực tiếp 19 lượt ý kiến, trong đó 11 lượt thảo luận tại tổ, 8 lượt phát biểu tại hội trường.
Nội dung phát biểu của các ĐBQH tỉnh Lào Cai tập trung về các vấn đề như: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đặc biệt khó khăn; công tác thi hành án tử hình; dự thảo các nghị quyết về việc ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo các dự án luật như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)…
Đồng chí Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên thảo luận ở tổ số 10.
Ngoài các ý kiến đóng góp trực tiếp của các ĐBQH, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, vị thế của tỉnh Lào Cai cũng được nâng lên qua kỳ họp khi đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh được Quốc hội tin tưởng phân công và hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ trưởng tổ thảo luận số 10 (tổ gồm Đoàn đại biểu các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk và Hậu Giang).
Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn và các ĐBQH có nhiều hoạt động gặp gỡ, giao lưu, trao đổi công việc với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; trao đổi, học tập kinh nghiệm với Đoàn ĐBQH một số tỉnh, thành phố… thông qua đó, duy trì tốt mối quan hệ, tăng cường hợp tác với các địa phương và chuyển tải ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn từ Trung ương, các địa phương với Lào Cai.
Ngoài ra, các ĐBQH của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia hoạt động khác trên các diễn đàn của Quốc hội như tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng – An ninh, Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường; nhóm Nghị sĩ Việt Nam- Nhật Bản.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại phiên họp Quốc hội ngày 27/10/2022. |
PV: Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã được đánh giá ra sao, thưa đồng chí?
ĐBQH Sùng A Lềnh: Các ý kiến phát biểu thảo luận của ĐBQH tỉnh Lào Cai có chất lượng, tâm huyết, trúng và sát với tình hình thực tiễn, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao; được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp thu và chỉnh lý, bổ sung kịp thời vào các dự án Luật, các báo cáo, nghị quyết.
Các ý kiến, kiến nghị, những đóng góp của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được các cơ quan truyền thông của Trung ương, địa phương quan tâm, đăng tải, phát sóng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!