Lợn “cắp nách”
Đây là giống lợn địa phương, gen thuần chủng, được đồng bào dân tộc nuôi theo hình thức thả rông. Chính vì vậy, dù có nuôi hàng năm trời, lợn cũng chỉ đạt trọng lượng từ 10-15kg/con. Người dân thường cho lợn vào gùi, xách tay, thậm chí cắp vào nách đem ra chợ bán, vì thế mới có tên “lợn cắp nách”. Giống lợn này tuy chậm lớn nhưng bì dày và giòn, ít mỡ, nhiều nạc, thịt rất thơm ngon. Lợn sau khi mổ được làm sạch, rồi tẩm ướp gia vị, quay trên than hồng cho đến khi có màu vàng rộm, giòn tan, thơm phức. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì giòn tan, rồi đến một lớp thịt mỡ mỏng, đến lớp nạc thật mềm, dày không đến 2 cm. Ngoài ra, có nhiều cách chế biến lợn cắp nách thành đặc sản như: tiết canh, luộc, hấp, nướng, hun khói, xào…
Lợn cắp nách nướng.
Còn gì thú vị hơn khi đến Lào Cai ngắm cảnh sắc mây, núi nên thơ còn được thưởng thức những miếng thịt lợn cắp nách được chế biến theo cách của người dân bản địa, nhấp những chén rượu táo mèo, rượu ngô, rượu thóc thơm lừng thì quả là những trải nghiệm thật khó quên.
Thắng cố
Đây là món ăn truyền thống của người Mông đã có từ hàng trăm năm. Theo tiếng Mông, từ thắng cố là biến âm của tiếng “thoảng cố” có nghĩa là “nồi nước”. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu và thịt lợn. Với đồng bào dân tộc vùng cao, đặc biệt là người Mông, thắng cố là món ăn không thể thiếu mỗi dịp xuống chợ.
Thắng cố được chế biến rất đơn giản. Nhưng để nấu ngon miệng thì cần có những bí quyết riêng. Ngựa được mổ rồi rửa sạch sẽ, cùng với lục phủ ngũ tạng của ngựa đem thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay. Gia vị truyền thống để nấu thắng cố gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt và nội tạng trước lúc đem xào. Sử dụng bếp lửa than, dùng một cái chảo lớn cho thịt ngựa vào chảo xào cho đến khi miếng thịt se se cạnh, người ta đổ nước vào chảo, cho xương và cứ thế ninh. Nội tạng ngựa được cho vào sau cùng ninh tới khi thịt chín mềm, nội tạng giòn giòn vừa ăn, có thể cho thêm các loại rau. Nước dùng phải được thường xuyên vớt bọt để nước xương thêm ngọt, thêm trong.
Mùi thơm của gia vị hoà quyện với vị béo ngậy của thịt ngựa toả ra sức hấp dẫn khó cưỡng đối với thực khách. Giữa tiết trời se lạnh, thưởng thức một bát thắng cố với những người bạn sẽ khiến ta có cảm giác ấm cúng, gần gũi.
Xôi bảy màu
Xôi bảy màu là món ăn truyền thống của người Nùng Dín, người Tày ở vùng cao Lào Cai. Xôi gồm các màu như: màu đỏ tươi, màu đỏ thẫm, màu xanh lá cây, màu xanh nước biển, màu nâu, màu tím và màu vàng. Màu sắc của xôi được người dân ngâm từ màu lá của các loại cây rừng.
Xôi màu từ lá cây rừng.
Gạo sau khi ngâm xong để ráo nước và đem sắp vào chõ đồ mỗi màu một góc, xôi chín, mở ra chõ xôi bốc khói nghi ngút, thơm nồng, nhìn chõ xôi như một bông hoa với bảy màu sắc rực rỡ rất đẹp mắt.
Xôi ngon nhất là khi ăn chấm với muối vừng đen. Đây là món ăn không chỉ làm ngon miệng mà còn rất bổ dưỡng bởi nó chứa nhiều vị thuốc dân gian từ những lá cây rừng. Không biết từ bao giờ, người dân nơi đây đã có quan niệm rằng vào những ngày lễ, ngày tết ăn xôi bảy màu sẽ mang lại nhiều may mắn, tốt lành.
Cá hồi Sa Pa
Du khách đã từng đến Sa Pa có lẽ đã được biết đến đặc sản cá hồi vân thượng hạng dưới chân đỉnh Fanxipang hùng vĩ. Điều kiện tự nhiên nơi đây rất thuận lợi cho việc phát triển giống cá hồi nước lạnh để những đầu bếp sáng tạo nên những món ăn vô cùng hấp dẫn và bổ dưỡng.
Gỏi cá hồi vân Sa Pa.
Cá hồi nước lạnh nuôi ở Sa Pa (Lào Cai) thịt chắc, thớ săn, không có mỡ. Thịt cá có màu đỏ tươi, thơm và rất giàu chất dinh dưỡng. Trong cái se lạnh của đất trời Sa Pa, được thưởng thức một nồi lẩu cá hồi nóng hổi sẽ vô cùng thú vị. Cá hồi cũng có thể chế biến thành nhiều món ngon như: gỏi cá hồi, cá hồi nướng, da cá hồi chiên giòn, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi sốt cam, cá hồi sốt kem tươi, v.v…đã mang đến cho du khách hương vị hấp dẫn khó quên.
Su su Sa Pa
Từ lâu, Sa Pa được biết đến với giống su su ngon nổi tiếng. Được trồng từ độ cao 1.500m, những giàn su su được dựng men theo các sườn dốc thoai thoải. Su su Sa Pa có vị ngọt và độ giòn thanh mát rất đặc trưng. Thương hiệu su su Sa Pa còn là mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Su su nơi đây có sức đề kháng cao, ít bị sâu bệnh. Cây su su thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên luôn phát triển tốt, cho năng suất cao. Giống su su Sa Pa đặc biệt ở chỗ là cây trồng một lần, thu hoạch nhiều năm. Có những gốc su su ở Sa Pa có tuổi đời hàng chục năm.
Ngọn su su xào tỏi.
Du khách có dịp đến Sa Pa, lên vùng Ô Quý Hồ sẽ thấy những giàn su su xanh ngút ngàn tầm mắt. Về chất lượng sản phẩm, rau su su ở Sa Pa được đánh giá là loại rau có chất lượng cao. Su su có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon như: ngọn su su tẩm bột chiên giòn, su su xào tỏi, xào thịt hun khói, nấu canh, luộc chấm nước mắm chanh ngon, làm lẩu, nộm,… Những món ăn từ rau và quả su su luôn có sức hấp dẫn du khách mỗi dịp đến với Sa Pa.
Cuốn sủi
Theo ông Ninh Chí Tiến –người đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm cuốn sủi cho biết: để làm nên một bát cuốn sủi thơm ngon đặc trưng cần phải có 7 nguyên liệu chính và một số gia vị thảo mộc thuộc bí quyết gia truyền. Nước sốt cuốn sủi phải có nước xương ninh mới đem lại vị ngọt đậm đà thực chất.
Cuốn sủi Lào Cai.
Một bát cuốn sủi có bánh phở, sau đó chan nước sốt có độ sền sệt vừa phải, tiếp đó là thịt xa-xíu hoặc thịt bò thái sợi, khoai lang chiên thái sợi, miến chiên, lạc rang, rau thơm bạc hà. Khi ăn, bạn nên vắt thêm ¼ quả chanh vào, trộn đều lên và bắt đầu thưởng thức.
Vị thơm của xa-xíu, vị giòn của miến và khoai lang chiên, vị bùi của lạc và vị chua thanh mát của chanh và lá bạc hà tạo nên một hương vị không thể lẫn của món cuốn sủi Lào Cai.
Cải mèo Sa Pa
Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu mát mẻ quanh năm. Nhờ đó, có nhiều giống rau bản địa đặc hữu mang lại giá trị dinh dưỡng cao như: rau khủ khởi, rau cải xoong, ngồng su hào, rau cải mèo… Trong số đó, ngon nhất phải kể đến rau cải mèo được trồng trên núi cao.
Cải mèo Sa Pa.
Du khách đã từng đến Sa Pa, thưởng thức rau cải mèo còn mát lạnh sương đêm, độ giòn và vị ngọt đắng quện với mùi tỏi thơm sẽ vô cùng ngạc nhiên thú vị. Cải mèo được người Mông gieo hạt dọc theo các luống đi của ruộng bậc thang hay bất cứ khoảng đất trống nào xung quanh nhà. Ở độ cao ấy, cải mèo thấm đẫm khí trời, xanh mướt. Cải cứ cao chừng một đến hai gang tay là đến độ ngon nhất khi chế biến thành các món ăn. Để lâu hơn thì cải sẽ già, còn non hơn thì nó chưa đủ độ giòn, vị đắng và vị ngọt đặc trưng.
Cải mèo được chế biến bằng nhiều cách như luộc, chấm với trứng vịt dầm nước mắm ngon; cũng có thể nấu canh thịt nạc băm; làm rau nhúng lẩu; hoặc xào tỏi ớt, xào với thịt ba chỉ hun khói; xào với nạp sườn gác bếp thì ngon tuyệt.
Cơm gạo Séng Cù
Giống lúa đặc sản Séng Cù được trồng chủ yếu ở các huyện Mường Khương, Bát Xát của tỉnh Lào Cai. Thương hiệu gạo Séng Cù ở Mường Khương đã được cấp bản quyền và sở hữu trí tuệ. Gạo Séng Cù cũng đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước. Giống lúa Séng Cù được cấy trên các chân ruộng có độ cao từ 900 mét trở lên (so với mực nước biển), đồng thời có các mạch nước ngầm lạnh nuôi dưỡng nên gạo Séng Cù hạt mẩy, to đều, về dinh dưỡng cũng vượt trội hơn các loại gạo tẻ khác. Khi nấu thành cơm có vị ngọt thơm và độ dẻo như xôi nếp.
Cơm gạo Séng Cù không chỉ ngon khi ăn nóng mà cả khi nguội cũng vẫn rất dẻo và ngọt. Khi nấu chỉ cần chút nước xâm xấp là đã đủ để gạo chín với độ săn của hạt cơm, độ dẻo ngọt và một chút cháy cơm màu vàng rộm. Cơm để nguội chấm với muối vừng cũng vô cùng ngon./.