Dù không phủ nhận tiềm năng và lợi thế nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận, quy mô nhiều điểm tâm linh trên địa bàn tỉnh còn nhỏ và hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, tại thành phố Lào Cai, giao thông kết nối từ các điểm du lịch tâm linh như đền Cấm, đền Quan, đền Vạn Hòa, đền Đôi Cô đến trung tâm thành phố chưa thuận lợi, biển chỉ dẫn tại ngã rẽ chưa rõ ràng, chưa có hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, diện tích và không gian hẹp, thiếu bãi đỗ xe tiêu chuẩn.
Thành phố Lào Cai có hệ thống cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn, công ty lữ hành du lịch phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, các điểm du lịch tâm linh còn hạn chế về giao thông, quy hoạch, diện tích nên chưa thu hút được lượng lớn du khách ngoài tỉnh và khách nước ngoài đến tham quan.
Ngay cả địa phương vốn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch tâm linh như Bảo Yên cũng gặp nhiều khó khăn trong việc kết nối các địa điểm tâm linh trên địa bàn, dẫn đến tình trạng nơi đông đúc, nhộn nhịp, thậm chí quá tải, nơi lại đìu hiu. Hơn nữa, dù lượng khách đến các đền, chùa luôn chiếm phần lớn trong cơ cấu khách du lịch nhưng để giữ chân du khách trong thời gian dài hơn lại là bài toán chưa tìm được lời giải với địa phương.
Để đánh giá cụ thể tiềm năng, lợi thế, chỉ ra những khó khăn và đưa ra giải pháp phát triển sản phẩm du lịch tâm linh dọc sông Hồng, thời gian qua, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với các địa phương tổ chức khảo sát thực tế tour du lịch tâm linh theo đường bộ và đường sông.
Qua thực tế cho thấy, sản phẩm du lịch tâm linh dọc sông Hồng theo đường bộ đã được triển khai tương đối hiệu quả kết nối từ Bảo Yên – thành phố Lào Cai – Sa Pa. Theo đó, du khách khi tham quan, chiêm bái qua các địa điểm tâm linh từ Bảo Yên tới thành phố Lào Cai sẽ có các chương trình ưu đãi, khuyến khích hoặc giới thiệu, quảng bá thêm nhiều điểm du lịch, hoạt động văn hóa hấp dẫn ở thị xã Sa Pa. Thực tế, không ít đoàn khách sau khi đi lễ tại các đền, chùa tại các địa điểm dọc theo sông Hồng đã tiếp tục hành trình du lịch của mình tại “thành phố trong sương”, chinh phục đỉnh Fansipan kết hợp lễ bái tại các điểm tâm linh trên núi.
Từ ngày có đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tôi thấy việc di chuyển tới Lào Cai đơn giản hơn nhiều. Năm nào tôi cũng cùng bạn bè đi lễ tại đền Bảo Hà, đền Cô Tân An, rồi đi thẳng lên Sa Pa để đi cáp treo lên đỉnh Fansipan, lễ bái các đền, chùa trên núi, hôm sau xuống thành phố Lào Cai, tham quan cửa khẩu, đi lễ tại đền Thượng, đền Mẫu…
Việc phát triển du lịch tâm linh dọc sông Hồng bằng đường bộ thời gian qua cũng được một số đơn vị lữ hành trong nước khai thác hiệu quả. Các tour du lịch kết nối các điểm tâm linh tiêu biểu như tour du lịch tâm linh Hà Nội – đền Bảo Hà – đền Thượng – đền Mẫu (Sa Pa) do HaNoi Travel thiết kế; tour du lịch 2 ngày 1 đêm để du khách trải nghiệm Sa Pa – đền Thượng – đền Bảo Hà do VietSense Travel tổ chức.
Tuy nhiên, việc hình thành, phát triển tour du lịch tâm linh bằng đường sông lại gặp nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện do mực nước sông Hồng thay đổi lớn theo từng mùa trong năm. Mùa cạn, mực nước thấp, thuyền lớn không di chuyển được. Mùa lũ, do độ dốc lòng sông lớn, nước chảy xiết nên tiềm ẩn nguy hiểm cho việc vận chuyển khách. Hiện nay, cơ sở vật chất, phương tiện, đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển khách đường sông (tàu, thuyền), hệ thống cảng, bến đỗ chưa có.
Theo ông Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai, tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng sẽ là một sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách chiêm bái. Tour du lịch sẽ mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm hoạt động du lịch đường sông và đường bộ, tương lai có thể kết nối khai thác cùng với Phú Thọ và Yên Bái. Tuy nhiên, để xây dựng sản phẩm tour du lịch tâm linh dọc sông Hồng kết nối đền Thượng – đền Bảo Hà – Sa Pa – Fansipan (theo tuyến đền Bảo Hà – đền Thượng bằng đường sông) cần có thời gian và sự chuẩn bị kỹ. Đây sẽ là sản phẩm du lịch hấp dẫn nếu dòng chảy được cải thiện, đầu tư hạ tầng bến bãi, phương tiện vận chuyển khách.
Ngoài ra, việc quảng bá, giới thiệu các địa điểm hoặc tour du lịch tâm linh trên các phương tiện truyền thông, gắn với các lễ hội là rất cần thiết. Đây là hướng đi mới, trúng và đúng, cần được phát huy hơn nữa trong thời gian tới để góp phần phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương dọc sông Hồng nói riêng và du lịch Lào Cai nói chung.