Sa Pa mùa làm lanh 0 By admin on 24/08/2023 Du lịch Share Facebook Twitter LinkedIn Pinterest Email Trải qua lịch sử hình thành, phát triển và thăng trầm của cuộc sống, cho đến hôm nay, đồng bào Mông ở Sa Pa vẫn luôn duy trì nghề trồng lanh, dệt vải và nhuộm chàm, giữ gìn bản sắc văn hóa như báu vật thiêng liêng, song hành cùng cuộc đời của mỗi người Mông… Cây lanh thường được người Mông trồng trong vườn nhà hoặc trên nương đồi gần nhà. Năm nào cũng vậy, cứ từ cuối tháng 6 trở đi cho đến tháng 8, trên khắp các bản làng của vùng cao Sa Pa, đồng bào dân tộc Mông vào mùa thu hoạch cây lanh. Sau khi thu cây lanh về, bà con bó thành từng bó, rồi dựng ở xung quanh nhà, chờ ngày nắng mới phơi lanh. Những ngày nắng ấm, bà con người Mông đem cây lanh ra phơi. Những bó lanh đã được phơi gần khô. Thân cây lanh khi phơi đủ nắng, vừa độ dẻo dai của sợi lanh, bà con người Mông mới đem tước vỏ lanh thành từng sợi. Sợi lanh được người Mông bó thành từng bó dài trước khi nối các sợi lanh lại với nhau thành cuộn. Đến Sa Pa bất kể mùa nào, thường xuyên bắt gặp hình ảnh phụ nữ dân tộc Mông ngồi bên hiên nhà hay đi làm nương, đến chợ phiên đều mang theo lanh để nối sợi. Ngày nay, đồng bào Mông ở Sa Pa vẫn duy trì nghề trồng cây lanh, se sợi và dệt vải lanh theo phương pháp thủ công truyền thống. Sau khi sợi lanh đã được nối thành cuộn, người Mông ở Sa Pa dùng đá “giã” cho mềm sợi lanh, rồi qua công đoạn luộc cho sợi lanh trắng ra, sau đó mới đem dệt thành vải. Nghề dệt vải lanh, nhuộm chàm, thêu thổ cẩm của dân tộc Mông ở Sa Pa – nét văn hóa truyền thống độc đáo đang được đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; được tái hiện trong vở diễn thực cảnh The Mong show – Sa Pa lặng lẽ yêu.