Trong nghi lễ ma chay của dân tộc Mông ở xã Tả Ngài Chồ có một tập tục độc đáo là cúng cây tiền. Khi gia đình nào có người mất, con cháu, họ hàng thân thiết sẽ đem một cây tiền đến nhà người mất để cúng tiễn. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình sẽ cúng những cây tiền có độ to, nhỏ khác nhau. Vào ngày đưa người mất đi chôn, các cây tiền sẽ được di chuyển ra mộ và đốt tại đó.
Lễ hội Gầu tào được tổ chức hằng năm thu hút người dân và du khách. (Ảnh chụp Lễ hội Gầu tào tại xã Pha Long tháng 1/2020). |
Ông Sùng Seo Sà (xã Tả Ngài Chồ) cho biết: Cúng cây tiền cho người đã mất là tập tục lâu đời của người Mông. Nét văn hóa này được truyền từ đời này qua đời khác. Là người lớn tuổi trong làng, chúng tôi vẫn thường xuyên giáo dục để con cháu hiểu được ý nghĩa và duy trì tập tục này.
Những ngày đầu năm mới, người dân ở các xã Tả Gia Khâu, Tả Ngài Chồ, Dìn Chin sẽ cùng nhau về xã Pha Long và tưng bừng tổ chức vui hội Gầu tào. Tại lễ hội, các thiếu nữ người Mông trong trang phục rực rỡ sắc màu sẽ tái hiện phong tục, tập quán và các tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình, đồng thời các chàng trai so tài cao thấp, thể hiện sức khỏe, bản lĩnh và trí tuệ qua các môn thể thao truyền thống. Đây còn là cơ hội để du khách trải nghiệm, khám phá nét văn hóa độc đáo của người vùng cao.
Tuy nhiên, với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, những nét văn hóa ấy đang có nguy cơ mai một. Nghệ nhân người Pa Dí – Tráng Vản Mìn (xã Tung Chung Phố) chia sẻ: Tôi rất yêu thanh âm của cây đàn tròn. Học chơi đàn tròn từ năm lên 10 tuổi nên đến nay, tiếng đàn của tôi đã trở nên quen thuộc với bà con địa phương. Là một trong số rất ít người có thể chơi thành thạo đàn tròn, tôi lo thế hệ trẻ không ai nối tiếp khi những người chơi đàn ngày càng già đi.
Lo lắng của nghệ nhân Tráng Vản Mìn cũng là trăn trở của chính quyền địa phương. Thời gian qua, xã Tung Chung Phố đã có những biện pháp để bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Dí nói riêng, các dân tộc trên địa bàn nói chung. Xã đã mở lớp tập huấn cho người dân, thành lập đội văn nghệ của thôn, xã; hỗ trợ một số trang – thiết bị cho nhà văn hóa để người dân có thêm điều kiện tập luyện; quan tâm đến các nghệ nhân, động viên và hỗ trợ để các nghệ nhân truyền đạt cho thế hệ sau các lời hát, điệu múa. Không chỉ tham gia biểu diễn trong các buổi giao lưu văn hóa, đội văn nghệ người Pa Dí ở Tung Chung Phố còn thường xuyên quây quần đàn hát, cùng cảm nhận, chia sẻ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Những năm qua, để bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, huyện Mường Khương đã có những việc làm thiết thực như tăng cường thông tin, hoàn thiện hệ thống thể chế và các thiết chế văn hóa; đầu tư, sưu tầm, khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống, quan tâm đến nghệ nhân và mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ. Huyện cũng gắn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với phát triển du lịch; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang – thiết bị văn hóa thông qua những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc ít người, hướng tới nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Từ năm 2019, thực hiện Quyết định số 2086 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025”, huyện Mường Khương đã triển khai Dự án bảo tồn văn hóa truyền thống, khôi phục chữ viết, bảo tồn các làn điệu dân ca, khôi phục các làn điệu múa, triển khai đến từng thôn, bản và được người dân hưởng ứng. Phòng Dân tộc huyện Mường Khương cũng tham mưu cho các địa phương giám sát những đối tượng hưởng lợi để phát huy được hiệu quả.