Đến Đền Ken du khách được tận hưởng không khí trong lành, tươi mát dưới những tán cây cổ thụ.
Đền Ken được dựng vào đầu thế kỷ XIX. Năm 2006, Đền Ken chính thức được tôn tạo, xây dựng lại khang trang và được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đền là nơi thờ ông Nguyễn Hoàng Long và các vị tướng lĩnh dòng họ Nguyễn đã có công đánh đuổi giặc xâm lăng trên quê hương Văn Bàn, giúp Nhân dân các dân tộc nơi đây khai dựng ruộng vườn, bảo vệ bản làng. Tự hào với ngôi Đền thiêng, người dân Chiềng Ken từ già đến trẻ, ai cũng thuộc lòng câu truyện về ông Nguyễn Hoàng Long với công lao lập làng, lập xã. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân lại tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ đến công lao của ông Nguyễn Hoàng Long và các chư vị tướng lĩnh.
Đền Ken là di tích lịch sử có giá trị văn hoá trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương về thăm quan, chiêm bái. Ngay khi bước chân vào cổng, ngôi đền đã khiến du khách ngỡ ngàng bởi vẻ cổ kính, uy nghiêm và trầm mặc. Trấn giữ ngay trước cổng là một cây đa cổ thụ. Bước chân qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp 2 hàng cây lim xanh sừng sững tỏa bóng mát cho toàn bộ khu sân trước ngôi đền. Xung quanh là những vườn cây cổ thụ xanh mát, đem lại cảm giác thanh bình, yên ả. Đứng giữa đồi cây vào một ngày giữa mùa hạ mới thấy hết sự quý giá của những tán cây cổ thụ gần 300 năm tuổi này. Năm 2017, cụm cây sui tại Đền Ken đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam có cấp bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam”.
Đến Chiềng Ken, du khách không những được thành kính dâng hương tại ngôi đền linh thiêng mà còn được tận hưởng không khí trong lành, tươi mát dưới những tán cây cổ thụ. Di tích lịch sử văn hóa Đền Ken và quần thể cây sui cổ thụ là điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch tâm linh của du khách khi đến huyện Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.