“…Em về khắc khoải chờ trông
Để rồi thức cả mùa không chợ tình!”
Sa Pa – mùa đông 2010… Đào Duy Hoàng và Nguyễn Nhật Hoài thực hiện chuyến du khảo lên Tây Bắc. Hai anh đi sâu vào các bản làng của người dân tộc Dao và Mông dưới những thung lũng của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vỹ.
Gần Sa Pa chừng hai cây số có một đường nhỏ dẫn vào bản người Dao dưới chân núi Thanh Long… Chiếc xe khách lúc nhanh lúc chậm, sòng sành, giần giật theo từng đoạn đường gập ghềnh, quanh co, ôm những ngọn đồi đá lởm chởm, sát bên vực sâu hàng trăm mét. Mùa này, lúa trên ruộng bậc thang phơn phớt, ngả sang màu chanh dưới cái nắng nhàn nhạt của ngày cuối đông. Có con suối nhỏ, nước trong leo lẻo, chảy phăng phăng qua thung lũng Tả Phìn dưới bầu trời trong xanh đầy mây trắng.
(Ảnh minh họa) |
Khi xe dừng lại trước bãi đỗ, nhiều phụ nữ, trẻ em gái người Dao mặc thổ cẩm, đội khăn đỏ, nhốn nháo, ào ra đón chào đoàn khách. Nhật Hoài rất ngạc nhiên hỏi Duy Hoàng:
– Họ là ai? Làm gì vậy anh Hoàng?
– Người Dao đỏ ấy! Họ chào đón chúng ta và sau đó sẽ tình nguyện làm hướng dẫn viên, cuối cùng là bán đồ thổ cẩm – Đào Duy Hoàng – mươi năm trước đây, nhà bố anh có xe khách chạy đường Hà Nội – Lào Cai – Lai Châu. Những con đường, những thị trấn, những địa điểm du lịch nổi tiếng, Duy Hoàng thông thuộc như lòng bàn tay…
– Chắc anh biết nhiều về đồng bào ở đây… cụ thể như các cô gái Mông, Dao xinh đẹp mà ta đã gặp? – Nhật Hoài hỏi khích Duy Hoàng.
– Các cô gái dân tộc Mông, Dao tính tình rất ngay thẳng. Không yêu thì thôi, đã yêu thì khó lòng dứt ra được…
Nhật Hoài trong chuyến đi chơi ở Tả Phìn đã khám phá ra nhiều điều mới lạ, rất có ích cho công việc của anh. Nhưng điều thú vị nhất là anh đã quen với Tẩn Mý Mỵ, một thiếu nữ vùng cao xinh đẹp.
– Bao giờ anh về Hà Nội cho Mý Mỵ theo chơi với nhé!
Nhật Hoài giật mình! Lúc mới quen Mý Mỵ, anh nói mình ở Hà Nội cho gọn, bây giờ phải tìm cách nói khéo với cô ấy:
– Anh hẹn em Tết nhé. Chuyến này về anh phải “vào Nam” sưu tầm thêm một số tư liệu cho công trình.
– Thầy giáo ở dưới xuôi sao khổ thế. Ở trên này thầy cô “cắm bản”, rồi lấy nhau, rồi ở đây luôn!
– Ước gì anh được “cắm bản” ở Tả Phìn với em!
Lúc này, bỗng nhiên Nhật Hoài nhìn khéo Mý Mỵ: Cô ấy đẹp và ngây thơ như một đóa lan rừng! Mình cũng đã hơi “cứng” tuổi! Không hiểu cô ta có tình cảm với mình không? – Nhật Hoài thoáng nghĩ.
Mùa đông Sa Pa năm nay thật lạnh, hàn thử biểu xuống còn 8 độ C. Nhưng với thời tiết này cũng khó lòng có tuyết, phải từ 4 độ trở xuống hoặc âm dưới 0 độ. Nhật Hoài cũng như nhiều du khách đến đây, đôi khi cũng hy vọng may mắn gặp tuyết. Đào Duy Hoàng mấy hôm nay phải về Hà Nội nuôi bà cụ thân sinh bị bệnh. Còn lại một mình, Nhật Hoài cảm thấy cô đơn giữa mùa đông phố núi. Anh nhìn lên ngọn Fansipan kỳ vỹ, sầm sậm ở phía Tây thị trấn. Ánh trăng Rằm sáng vằng vặc như đổ mật trên những mái nhà lô nhô theo triền thung lũng có những cây sa mu đứng lặng yên như bóng người. “Điện, rủ Mý Mỵ đi chơi” – Nhật Hoài bấm máy – Mý Mỵ là hướng dẫn viên của Trung tâm du lịch Sả Séng -Tả Phìn – Sa Pa.
– Alô! Mý Mỵ… em khỏe chứ?
– Vâng, em khỏe, cảm ơn anh! Có chuyện gì không anh?
– Anh Hoàng đã về Hà Nội rồi… Anh buồn quá! Chẳng có ai nói chuyện cho vui…
– Thì anh đi uống cà phê hoặc đi nhậu sẽ vui thôi – Mý Mỵ cười.
– Anh muốn mời em đi chơi… có được không?
– À ra vậy…- im lặng – hình như Mý Mỵ có vẽ lưỡng lự.
– Em có thể đi chơi với anh được không? Vài hôm nữa anh về rồi…
– Em gặp anh ở đâu?
– Anh sẽ chờ em ở đầu phố Cầu Mây.
– Em sẽ đi chơi với anh… nhưng anh phải đưa em về nhà… Khuya, đường vắng, em sợ…
– Được, nhất định là như vậy – Nhật Hoài cảm thấy thoải mái khi Mý Mỵ đồng ý đi chơi với anh.
Mý Mỵ đến. Cô mặc trang phục Dao thật đẹp. Váy thổ cẩm cách tân nhỉnh vừa khỏi gối, nổi bật làn da trắng như tuyết. Tóc Mý Mỵ dài, đen mượt như suối, tỏa thơm nhè nhẹ mùi hương hoa rừng. Nhật Hoài lâng lâng say đắm, ngây ngất nhìn Mý Mỵ: “Ối! Một vẻ đẹp hoàn hảo!”.
Nhật Hoài và Mý Mỵ đến Sân Quần, nơi đây những đêm cuối tuần là điểm hẹn của trai gái Mông, Dao, Giáy. Họ tới để tham gia “chợ tình”. Những đêm trăng sáng càng tăng thêm sự lãng mạn của phiên chợ độc đáo này. Những chàng trai, cô gái trẻ, những người cô đơn, lẻ bạn tìm đến chợ tình với niềm đam mê, háo hức dạt dào. Rồi niềm vui hạnh phúc hay nỗi buồn xót xa sẽ đến với họ khi vầng trăng khuất sau núi, sương lam mờ mịt trên những nẻo đường về bản làng xa hun hút…
– Mý Mỵ… mày đi với chồng à? – một cô gái địu đứa bé trai đang ngoẹo đầu ngủ say, cầm chiếc ô, đứng bên cột đèn.
– Ồ! Thào Ý Mỹ… lâu quá mới gặp mày. Có con rồi à? Đi chợ tình với ai vậy?
– Đi một mình thôi…
– Thằng Mã Giang Sán chồng mày đâu?
– Nó bị công an bắt giam rồi!
– Ơ!… Sao bị giam? Nó làm gì vậy? – Mý Mỵ ngạc nhiên hỏi.
Thào Ý Mỹ xoa xoa cái đầu lưa thưa tóc vàng như râu ngô của đứa con nói:
– Nó theo “bọn ác” đi ma túy qua biên giới, bị bắt mấy tháng nay rồi.
Mý Mỵ nhìn Ý Mỹ ái ngại. Hai người là bạn học khá thân thời Ý Mỹ chưa bị Mã Giang Sán “kéo” về làm vợ! Mý Mỵ mở ví rút ra tờ hai trăm nghìn dúi vào tay Ý Mỹ:
– Cầm đi, đừng ngại. Tao cho con mày uống sữa đấy!
– Cám ơn mày… Mý Mỵ… – Nhật Hoài thấy Ý Mỹ quệt mí mắt. Nhật Hoài cũng móc ví cho Ý Mỹ thêm ít tiền.
– Cám ơn anh… Chúc anh với Mý Mỵ nhiều sức khỏe và hạnh phúc! – Thào Ý Mỹ cảm động. Nhìn dáng vẻ của Ý Mỹ, Nhật Hoài biết là cô ấy đang khó khăn, rất cần sự giúp đỡ.
Từ giã Thào Ý Mỹ, Nhật Hoài và Mý Mỵ theo những bậc thang trước nhà thờ đá xuống Sân Quần.
Tiếng khèn, tiếng sáo Mông lúc dìu dặt, lúc réo rắt, du dương âm vang như tiếng suối chảy, tiếng chim sơn ca hót, nhịp nhàng, thôi thúc như tiếng vó ngựa phi trên đồng cỏ. Các chàng trai đi nhón nhén, xoay vòng vòng, thổi khèn theo bước nhún nhảy của các cô gái cầm dù, rồi từng đôi quyện vào nhau trong điệu múa, tiếng khèn du dương, lãng mạn… Sân Quần sương xuống mù mịt, hư ảo, bóng người khi ẩn, khi hiện, mơ hồ như từ cõi nao…
Nhật Hoài và Mý Mỵ ghé vào một quán rượu ven đường. Những xiên thịt lụi nướng than hồng bốc mùi thơm phức. Nồi gà hầm thuốc bắc sôi ùng ục, khói lên nghi ngút. Những ống cơm lam cháy xém. Rượu táo mèo nâu sậm. Rượu hà thủ ô đỏ tía… Chủ quán là một phụ nữ Mông đứng tuổi, da trắng, tóc nhuốm vài sợi bạc:
– Hai đứa mày uống gì?
– Bà cho vài xiên thịt, một đĩa chân gà luộc với hai bát rượu ngô…
Nhật Hoài và Mý Mỵ uống rượu với nhau. Phụ nữ vùng cao xem chuyện uống rượu là bình thường, rất ít khi từ chối khi người mời là bạn thân quen hay người sau này sẽ là người yêu, hoặc chồng mình.
Mý Mỵ và Nhật Hoài đưa nhau về qua dốc Cầu Mây. Hai người đã chuếnh choáng chút hơi men. Rượu ngô thật ngon và đêm Sa Pa vô cùng huyền ảo! Đèn đường trong sương mờ, tỏ. Dốc dài xa hun hút. Tiếng khèn réo rắt, du dương. Ánh trăng huyền hoặc soi bóng dãy núi kỳ vỹ cao vút tận trời xanh. Gái Mông, Dao đi chợ tình má đỏ hây hây màu bồ quân chín. Những vườn mận Tam hoa lá úa rụng đầy, lác đác vài nhánh mận khẳng khiu đã nhu nhú mầm hoa trắng trong làn gió rét liu riu lạnh đến tái tê… Trời mỗi ngày dường như rét hơn. Năm nay dám chừng có tuyết! Mý Mỵ và Nhật Hoài ngồi bên dốc Cầu Mây. Mý Mỵ nép sát vào vai Nhật Hoài. Nhật Hoài choàng tay qua hông cô gái. Anh hôn nhẹ lên tóc nàng. Mý Mỵ ngã đầu vào ngực anh. Nhật Hoài cảm nhận được một luồng hơi nóng hừng hực từ đôi gò tuyết lê của Mý Mỵ khi anh phiêu lưu bàn tay vào vùng đồi núi của người thiếu nữ:
– A!… Anh Hoài…
– Mý Mỵ! Anh yêu em…
– Anh hứa với Mý Mỵ nhé?… – Mý Mỵ thều thào.
– Anh sẽ yêu em mãi mãi. Yêu em suốt đời…Mý Mỵ ạ!
Cô gái người Dao cảm thấy tràn đầy hạnh phúc. Cô hát khe khẽ:
“Anh đi tìm em, anh đến với chợ tình/Với tiếng khèn múa reo, có tiếng sáo hòa theo/Khi trăng treo đầu núi/Gặp em gặp em, như mơ như mơ anh mới thấy sững sờ/Ai cho em đôi mắt nai tơ, với cái má hồng mơ/Cái môi cười tủm tỉm/Cho anh ngẩn ngơ, ngẩn ngơ quên lối về…”.
– Em hát nữa đi, bài hát hay quá – Nhật Hoài vuốt tóc Mý Mỵ.
“… Ngày mai, ngày mai cho dù phải chia xa/Cho dù em phải xa anh, phải xa anh em đi lấy chồng/Em về, em về ngày nhớ đêm mong/Em về khắc khoải chờ trông/Để rồi thức cả mùa không chợ tình/Để rồi thức cả mùa không chợ tình…”.
Đêm yên ắng tĩnh mịch đến vô cùng. Bỗng nhiên không gian có gì khác lạ. Trời như lạnh hơn! Có những chấm trắng li ti bay lất phất trên bầu trời nhàn nhạt. Những chấm trắng ngày càng nhiều và rõ hơn.
– Tuyết rơi! Trời ơi! Lâu lắm rồi Sa Pa mới có tuyết… Anh Hoài… Anh Hoài! Nhìn kia…” – Mý Mỵ reo lên, cô lắc vai Nhật Hoài. Hai người dựa vào nhau xem tuyết. Tuyết rơi nhẹ như mưa phùn trên những nhành hoa trắng vừa mới nở trong vườn mận Tam hoa bên Cầu Mây mờ ảo.
…Công trình nghiên cứu về lễ hội dân gian miền cao Tây Bắc đã bước qua giai đoạn 1. Nhật Hoài phải về Nam. Đào Duy Hoàng trở lại với nhiệm sở của anh ở Hà Nội. Mý Mỵ sau những ngày Tết vui vẻ cô cũng đã trở về Trung tâm và tiếp tục công việc đưa đón khách.
* * *
Cuối năm 2010. Nhật Hoài trở lại Tây Bắc cùng Đào Duy Hoàng thực hiện nốt công trình. Hai người lên Sa Pa.
– Anh có biết tin tức gì của Tẩn Mý Mỵ không? – Nhật Hoài hỏi Duy Hoàng.
– Nghe thằng bạn ở sở nói, Mý Mỵ đã có chồng… Tây!
– À…Vậy sao? Đã lâu rồi tôi không có liên lạc với cô ấy. Người Nam kẻ Bắc, gặp nhau như áng mây trôi. Quen nhau cũng chẳng đi đến đâu. Lúc ấy tôi…
– Tôi biết – Duy Hoàng cười – Nếu như không có vợ thì ông đã lấy gái Dao ở Sa Pa rồi phải không? Gái Dao đẹp thật, da trắng, má hồng, ăn nói dễ thương!
Nhật Hoài nghe tim mình như thắt lại. Phải chi anh gặp Mý Mỵ sớm hơn… Nhưng để làm gì? Có khi chỉ buồn thêm! Mình với cô ấy là hai thế hệ!
…Nửa đêm. Sa Pa bỗng trở nên lạnh giá khác thường. Đào Duy Hoàng lay Nhật Hoài dậy: “Dậy này. Dậy này Nhật Hoài! Dậy xem tuyết rơi. Trời ơi, kỳ vỹ thật! Lần đầu tiên tôi thấy tuyết ở Việt Nam”.
Nhật Hoài và Duy Hoàng đứng bên cửa sổ xem tuyết. Những bông tuyết trắng bay bay rồi rơi vương vãi trên những khu vườn, trên lối đi, trên mái nhà. Chợt Nhật Hoài nghe xao xuyến và nhớ đến Mý Mỵ vô cùng. Khu vườn bên suối Cầu Mây năm ấy, giờ chắc tuyết đã phủ đầy trên những cành hoa mận trắng…