Cọ ỏm trở thành món ăn hấp dẫn trong mâm cơm của đồng bào Tày.
Cứ độ tháng 7 hằng năm, cọ bắt đầu ra hoa, kết trái. Những chùm hoa cọ khoe sắc vàng đung đưa trên ngọn cây cao trong nắng hè lấp lóa. Đến tháng 11, 12, quả cọ bắt đầu chín, chuyển sang màu xanh đậm. Lúc này, đồng bào Tày chọn hái những chùm cọ có quả to, chín kỹ về chế biến thành những món ăn truyền thống. Cọ ỏm là món ăn ngon hay được nhắc đến.
Nghệ nhân hát khắp nôm La Văn Mừng, xã Khánh Yên Thượng cho biết: Người ta cho những quả cọ chín vào rọ, xóc với những mảnh cật nứa để quả bong lớp vỏ xanh, lộ ra lớp cùi màu vàng. Sau đó, quả cọ được cho vào nồi, đổ xâm xấp nước, đun nhỏ lửa đến khi nước sôi lăn tăn, thấy váng dầu cọ nổi lên bám quanh nồi là được. Nếu đun quá lửa, quả cọ sẽ có vị chát, không ngon nữa. Quả cọ đã ỏm chín có màu vàng đượm, cùi mềm, ăn vào có vị ngầy ngậy, bùi bùi, thơm thơm hấp dẫn.
Loại cọ nếp rất quý, quả to tròn, cùi dày, vị thơm ngon đậm đà hiếm gặp. Cọ ỏm tuy có vị béo nhưng không ngấy, có thể chấm với nước mắm, tương ớt, ăn no bụng mà không chán. Ở một số vùng, quả cọ còn được dùng làm món dưa cọ, có hương vị hấp dẫn, lạ miệng, khó quên.
Đặc biệt, còn có món nhộng cọ lam ống nứa rất độc đáo. Từ những thân cọ đã đổ, đợi cây mục, người ta chẻ ra tìm một loại nhộng đặc biệt sống trong đó, chế biến thành món nhộng cọ lam. Đây là món ăn đặc sản và rất hiếm, khách thật quý, chủ nhà mới mang ra mời, không phải ai cũng được thưởng thức.
Tháng 11, 12 vào mùa cọ chín.
Trong phong thủy, cây cọ có tác dụng sinh tài, giữ của, đem lại nhiều may mắn nên được các gia đình trồng trước cửa, quanh nhà. Ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày có mái lợp bằng lá cọ, mùa đông ấm áp, mùa hè dịu mát. Hình ảnh những ngôi nhà sàn bình yên bên đồi cọ và những món ngon từ quả cọ từ lâu đã trở thành nét văn hóa độc đáo của dân tộc Tày huyện Văn Bàn./.