Sinh ra và lớn lên trong nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng, nhưng khi xây dựng gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng, anh Lý Thìn Lê, thôn Cốc Phúng, xã Lùng Vai (Mường Khương) lại quyết định dựng ngôi nhà xây kiên cố, mái Thái. Anh Lê bộc bạch: Giờ không lấy gỗ trong rừng được nữa, nếu đi mua gỗ nhập khẩu thì không đủ tiền, vì thế gia đình tôi chỉ bỏ ra khoảng 400 triệu đồng là đã có được ngôi nhà xây kiên cố, rộng hơn 100 mét vuông, đảm bảo sinh hoạt cho gia đình 5 người.
Bình yên bên nếp nhà sàn. |
Không chỉ nguyên – vật liệu khan hiếm, đắt đỏ, dựng nhà sàn còn cần có đất rộng từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông, nguyên phần đất nền nhà sàn cũng phải 200 – 300 mét vuông. Trong khi đó, ở các thôn, bản vùng cao, quỹ đất bằng phẳng, thuận lợi để xây dựng nhà sàn ngày càng ít. Anh Thào Sinh, xã Trung Lèng Hồ (Bát Xát) cho biết: Gia đình tôi san gạt mãi mới được gần trăm mét vuông đất bằng phẳng, thuận lợi đi lại, chỉ đủ làm ngôi nhà xây cấp 4, nếu dựng nhà sàn thì rất chật và không đẹp.
Được biết, nhà sàn làm bằng gỗ có tuổi thọ cả trăm năm, hơn nữa lại thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Tuy nhiên, việc làm nhà sàn rất tốn tiền bạc, thời gian. Trong khi đó, làm ngôi nhà xây khá đơn giản, nguyên – vật liệu dễ mua, chi phí thấp mà đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện đại như đảm bảo an ninh, khép kín bếp, nhà vệ sinh…
Nhà sàn vốn là nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc của người dân vùng cao Tây Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng. Vì thế, các cấp, các ngành, các địa phương cần tuyên truyền, vận động và có hỗ trợ để người dân giữ gìn, xây dựng mới những nếp nhà sàn, góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống và thu hút du khách, phát triển du lịch.