Lễ Pang dâng cốm của người Tày Bảo Yên.
Cứ mỗi độ thu về, gia đình người Tày nào cũng chế biến món cơm cốm “khẩu mẩu”. Nguyên liệu làm cốm là nếp cái, nếp nương đã vào chắc hạt, bông lúa chuyển từ nước sữa đặc quánh sang bột. Nhìn bề ngoài hạt bắt đầu chuyển sang màu hơi vàng mượt là đúng tầm. Còn nếu bông lúa xanh (lúa vẫn non) hay bông chín vàng (lúa đã già) thì làm cốm ăn không ngon. Chọn được bông lúa nếp nương đúng tầm nhưng cũng phải có kỹ năng sấy thật khéo léo thì mới cho ra mẻ cốm hoàn hảo. Để cốm được thơm, ngon, đồng bào Tày thường làm lò sấy riêng. Sau khi sấy, người ta cho cốm vào máng, dùng chày dài giã bằng tay, giã 4 lượt. Theo phụ nữ Tày, sau khi giã xong, xảy hết cám, tấm, trấu, được hạt cốm nguyên, dùng tay nắm lại liên kết thành khối, khi buông tay nó lại tự bung ra, như vậy mới là cơm cốm ngon.
Người Tày có 3 kiểu cốm nổi tiếng đó là cơm cốm, cốm ép và mọc cốm. Cốm ép được làm theo cách để vào lá dong, dùng nước nóng hoặc nước luộc vịt tưới cho ướt đều, gói lại thành gói vuông, đặt lên tấm ván, bên trên đè một tấm nữa, dùng sức hai cánh tay ép mạnh hoặc dùng sức nặng của người ngồi hẳn lên tấm ván một lúc, cho gói cốm dẹt mỏng, thành từng lớp, quyện chặt với nhau. Nhưng có lẽ, cầu kỳ và hấp dẫn hơn cả đó là món mọc cốm. Mọc cốm được làm theo cách: Lấy phần thịt lẫn da dày mỡ của một con vịt béo, thái từng miếng mỏng, dài; phần cổ, xương sống, cánh, các mẩu xương băm viên thật nhuyễn, nguyên liệu này dùng làm nhân, xào cho chín tới. Cho cốm vào lá dong, cho nhân vào giữa khối cốm, túm lá lại, dùng lạt buộc, cho vào nồi hấp cách thủy hoặc xếp vào chõ đồ để các hạt cốm ngấm gia vị, dẻo dính liền với nhau, tạo nên hương vị hấp dẫn của món ăn.
Những món ngon như mọc cốm, cốm ép… ăn vào dịp mùa thu mới thấy hết hương vị ngon ngọt của ẩm thực người Tày ở Lào Cai./.