Mùa vàng Nghĩa Đô |
Chúng tôi ngạc nhiên khi một ngày cuối tháng 3/2021, được tham dự buổi thuyết minh ý tưởng Trung tâm Bảo tồn và giao lưu văn hóa Tày. Ngạc nhiên bởi từ khi huyện xin ý kiến tỉnh về chủ trương thực hiện dự án này đến khi có ý tưởng phác thảo chỉ vài tháng. Xâu chuỗi các sự việc mới thấy thực ra huyện Bảo Yên đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho dự án này, kỹ lưỡng cả ở việc mời người chủ trì thiết kế là kiến trúc sư nổi tiếng Hoàng Thúc Hào, người được biết đến với nhiều giải thưởng kiến trúc cho những công trình thân thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan cho thế hệ sau. Từ khi “đặt hàng” ý tưởng thiết kế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Tô Ngọc Liễn đã giao đầu bài khá hóc búa là làm sao có một công trình biểu tượng mang tầm quốc tế để biến nó trở thành điểm nhấn quảng bá cho du lịch cộng đồng Nghĩa Đô.
3 ý tưởng được thuyết minh hôm đó đều được lãnh đạo tỉnh và Hội Kiến trúc sư tỉnh đánh giá cao, đặc biệt là thiết kế với tên gọi “Giai điệu thượng ngàn” lấy ý tưởng từ cây đàn tính trong làn điệu hát then truyền thống. Một làn điệu dân ca mang màu sắc tín ngưỡng đặc trưng của người Tày, thuật lại hành trình lên thiên giới cầu xin Ngọc Hoàng ban phát điều tốt đẹp. Khiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nói rằng: Nghĩa Đô có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn độc đáo, khung cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình với những dòng suối, thác nước, cánh đồng thẳng cánh cò bay, núi non trùng điệp. Cùng với những giá trị văn hóa truyền thống là các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian truyền thống, văn hóa ẩm thực, các di tích lịch sử văn hóa; con người thân thiện, mến khách. Tất cả trở thành kho tư liệu phong phú để anh có ý tưởng thiết kế.
Mùa gặt ở Nghĩa Đô |
Nói về dự án xây dựng Trung tâm Bảo tồn và giao lưu văn hóa Tày với kinh phí hàng chục tỷ đồng được huyện Bảo Yên khởi động ngay đầu nhiệm kỳ mới để thấy sau nhiều năm loay hoay phát triển du lịch cộng đồng Nghĩa Đô mà chưa thành với lý do nguồn lực khó khăn, thì nay huyện đã tập trung nguồn lực thực hiện. Vậy nhưng tính ra, để “đánh thức” du lịch Nghĩa Đô vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin Bảo Yên, du lịch cộng đồng Nghĩa Đô được manh nha từ năm 2013, khi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch và các chuyên gia nghiên cứu của Pháp triển khai dự án xây dựng xã Nghĩa Đô trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Dự án thí điểm mô hình homestay đối với 6 hộ có nhà sàn tiêu biểu mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô. Tuy nhiên từ đó đến nay, lượng khách đến Nghĩa Đô vẫn khiêm tốn, mới chỉ ở dạng vãng lai. Trong Đề án về du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025, huyện Bảo Yên đã chỉ ra nhiều hạn chế khiến du lịch Nghĩa Đô bao nhiêu năm vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Đó là tour, tuyến chưa rõ nét, chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo, thiếu nhân lực về quản lý du lịch. Hoạt động du lịch cộng đồng bước đầu phát triển nhưng thiếu sự gắn kết với các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân và bảo tồn văn hóa dân tộc. Các dịch vụ ăn, nghỉ phục vụ khách chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Sản phẩm du lịch chưa hấp dẫn, thiếu sức cạnh tranh, việc xúc tiến, quảng bá chưa hiệu quả.
Phụ nữ Tày Nghĩa Đô giữ gìn nghề truyền thống |
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô Lý Văn Nội cho biết: Cái cốt lõi vẫn là vận động người dân khôi phục, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc. Xã sẽ hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch, nhằm khai thác tiềm năng về bản sắc văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và môi trường cho phát triển du ịch, góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ quyết tâm của các cấp lãnh đạo, người dân Nghĩa Đô cũng cảm nhận đang có một sự thay đổi lớn ở mảnh đất này và ai cũng muốn hòa nhịp vào sự chuyển động ấy. Đến Nghĩa Đô những ngày này sẽ gặp nhiều hơn hình ảnh người dân đang chỉnh trang lại nhà sàn, hàng rào, đường đi. Con đường bê tông từ phong trào xây dựng nông thôn mới những năm trước nay được trồng thêm hoa hai bên. Những dòng suối trước đây đầy rác thì nay đã được dọn dẹp sạch sẽ. Trong những khu dân cư bắt gặp những sọt rác đan bằng tre dựng ven đường kèm theo lời nhắc nhở hãy bảo vệ môi trường. Những gia đình làm homestay cũng không còn chỉ chăm chăm lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho du khách mà đã sưu tập cho khu nhà của mình những sản vật địa phương hoặc món đồ lưu niệm và giữ cho gia đình nếp sinh hoạt truyền thống người Tày để du khách đến đây được hòa mình vào không gian đậm đà bản sắc.
Phối cảnh Trung tâm bảo tồn và giao lưu văn hóa Tày |
Một dự án vĩ mô nữa cũng đang được huyện lên ý tưởng triển khai là xây dựng bảo tàng sinh thái đồng bào dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình đã được thực hiện thành công tại nhiều nước và hứa hẹn sẽ thành hiện thực ở Nghĩa Đô, bởi theo các chuyên gia về văn hóa thì với những điểm hội tụ sẵn có, chẳng ở nơi đâu phù hợp hơn để xây dựng mô hình này.
Những thế hệ người Tày Nghĩa Đô bao đời nay đã chung tay giữ gìn những nếp nhà sàn, đồi cọ, làn điệu dân ca… để hôm nay di sản ấy bắt đầu trở thành tài sản, thành tài nguyên du lịch vô giá. Bảo tồn, giữ gìn và khai thác hiệu quả những giá trị ấy không chỉ tạo cơ hội để phát triển kinh tế nâng cao đời sống, mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau.