Học sinh được cô giáo trực tiếp hướng dẫn từng động tác. |
Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dền Thàng hiện có 385 học sinh, trong đó hầu hết là con em dân tộc Mông. Để thực hiện hiệu quả mô hình Trường học đa văn hóa gắn với cộng đồng, những năm qua, nhà trường khuyến khích học sinh các khối, lớp tham gia các câu lạc bộ giữ gìn văn hóa truyền thống như múa khèn, múa gậy sinh tiền, thêu thổ cẩm… Đa số học sinh trong trường tham gia 1 hoặc 2 câu lạc bộ khác nhau.
Em Lý Thị Ngọc Mai chia sẻ: Tham gia câu lạc bộ của trường, em được thầy cô giáo và các nghệ nhân trong xã dạy múa gậy sinh tiền. Em rất vui và muốn học thêm nhiều bài múa, bài hát để góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Theo thầy giáo Vũ Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dền Thàng, hầu hết học sinh là người Mông nên nhà trường luôn cố gắng gắn việc học tập ở trường và các phong trào, hoạt động với giáo dục ý thức giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mông, giúp các em hiểu và thêm yêu nét đẹp văn hóa dân tộc mình.
Nhà trường quy định thứ Hai hằng tuần, 100% học sinh và giáo viên mặc trang phục truyền thống dân tộc. Những ngày lễ, tết, sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, nhà trường đều cử đội văn nghệ, đội thể thao tham gia. Đặc biệt, học sinh của trường đã đoạt 1 giải Vàng, 2 giải Đồng môn đẩy gậy tại Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Lào Cai lần thứ VIII – năm 2020. Đó là thành tích đáng tự hào để nhà trường tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các câu lạc bộ giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc trong trường học.
Học sinh tham gia câu lạc bộ nhằm giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc Mông. |
Cuối tháng 8 vừa qua, UBND xã Dền Thàng đã ra mắt Câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông với các thành viên nòng cốt là học sinh tới từ các câu lạc bộ của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Dền Thàng. Việc ra mắt câu lạc bộ là giải pháp hiện thực hóa các nội dung tập huấn mà Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao Lào Cai thực hiện nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình “Giữ gìn và phát huy nét văn hóa, văn minh, lành mạnh vùng đồng bào dân tộc Mông”. Theo đó, có 5 cán bộ, nghệ nhân (thổi khèn, kéo nhị, múa gậy sinh tiền) đã được các chuyên gia hướng dẫn thêm một số bài dân ca, dân vũ, dân nhạc để trở thành những người truyền dạy cho thế hệ trẻ của địa phương.
Anh Sùng A Cù, cán bộ văn hóa xã, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Mông cho biết: Câu lạc bộ có 55 thành viên, gồm 5 người truyền dạy và 50 học viên sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần. Tôi cũng là một trong những người được hướng dẫn để tham gia truyền dạy nghệ thuật múa, hát dân ca, dân vũ của người Mông cho các thành viên trong câu lạc bộ.
Dù còn nhiều khó khăn do Dền Thàng là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh nhưng việc được Nhà nước quan tâm mở lớp tập huấn tại địa phương, đồng thời hỗ trợ trang phục, nhạc cụ để thành lập câu lạc bộ và đưa vào hoạt động là những điều kiện thuận lợi để xã xây dựng các chương trình, hoạt động hiệu quả, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông.