Đua ngựa Bắc Hà – sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. |
Giai đoạn đầu tái lập tỉnh, du lịch Lào Cai chỉ là những “nét vẽ” sơ khai, chưa có dấu ấn trên bản đồ du lịch. Thời kỳ trước những năm 1990, du lịch Lào Cai chỉ mang tính tự phát, cơ sở vật chất du lịch hầu như chưa có. Năm 1992, sau 1 năm tái lập tỉnh, Lào Cai chỉ đón được 8.000 lượt khách du lịch, doanh thu đạt 1,3 tỷ đồng. Trải qua nhiều năm nỗ lực, du lịch Lào Cai đang vẽ nên bức tranh đầy màu sắc, với những điểm sáng và bước đột phá ấn tượng. Nhiều sản phẩm, địa danh du lịch của tỉnh đã trở thành sự lựa chọn thường xuyên của du khách trong và ngoài nước, nổi bật là khu du lịch Sa Pa, Bắc Hà và thành phố Lào Cai.
Nhắc đến du lịch Lào Cai, hầu hết du khách sẽ biết tới Sa Pa. Từ vùng núi non hoang sơ, chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trải qua hơn 100 năm xây dựng và phát triển, Sa Pa đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành khu du lịch quốc gia thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Không chỉ sở hữu những lợi thế “trời cho” như khí hậu trong lành, cảnh quan phong phú và nét văn hóa các dân tộc đa dạng, đặc sắc, du lịch Sa Pa còn có nhiều cơ hội “cất cánh” khi được đón nhận hàng loạt “đòn bẩy” quan trọng đến từ chính sách phát triển của tỉnh cho tới những dự án trọng điểm từ các nhà đầu tư chiến lược. Năm 2014, khi tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành đã rút ngắn thời gian di chuyển của du khách; tới năm 2016 Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất ở Sa Pa và của cả nước. Năm 2017, Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Khu Du lịch quốc gia. Từ những điều kiện trên đã tạo ra thế và lực mới cho phát triển du lịch Sa Pa và đột phá về lượng khách du lịch, năm 2019, Sa Pa thu hút 3,2 triệu lượt khách. Anh Nguyễn Huy Trung, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Sa Pa luôn là điểm đến hấp dẫn đối với gia đình tôi. Tôi đã từng có mặt ở Sa Pa từ nhiều năm trước, mảnh đất này đầy hấp dẫn và cuốn hút, một nơi hiếm hoi của Việt Nam mà 4 mùa đều đẹp và lạ. Bên cạnh đó, Sa Pa còn sở hữu “điểm đến của đời người” – đỉnh Fansipan huyền thoại trở thành khát vọng khám phá và chinh phục đối với du khách.
Sắc màu thổ cẩm. |
Nhắc đến du lịch Lào Cai, giờ đây du khách không chỉ biết đến Sa Pa mà không gian du lịch được mở rộng đến Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà, thành phố Lào Cai và nhiều điểm du lịch mới đang được khám phá và đầu tư phát triển. Trong suốt 30 năm qua, Lào Cai đã có nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc quảng bá du lịch tới du khách mọi miền Tổ quốc thông qua xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với khai thác văn hóa bản địa. Sự đa dạng về điều kiện địa lý, tự nhiên cũng như văn hóa là lợi thế để Lào Cai có được các sự kiện, sản phẩm văn hóa, thể thao, du lịch độc đáo. Từ sự tương đồng về tự nhiên và văn hóa, Lào Cai đã đưa ra sáng kiến tổ chức các chương trình kết nối du lịch “Về cội nguồn” giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ; tiếp đó là chương trình kết nối 8 tỉnh trong “Vòng cung du lịch Tây Bắc”. Ngoài ra, Lào Cai đã tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc tế, như Hội chợ Thương mại và Du lịch Việt – Trung; Giải đua xe đạp “Một đường đua, hai quốc gia”… Những sự kiện trên góp phần quảng bá nét đẹp về con người, vùng đất và thu hút du khách đến Lào Cai.
Nhận rõ tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm phát triển ngành “công nghiệp không khói”, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2010 – 2015), Lào Cai đã xác định mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015 – 2020), du lịch được xác định là khâu đột phá để tạo sự phát triển đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), phát triển du lịch tiếp tục được xác định là 1 trong 2 khâu đột phá của tỉnh, với mục tiêu xây dựng Lào Cai trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam, trung tâm du lịch lớn của quốc tế vào năm 2025.
Với chủ trương và bước đi đúng, du lịch Lào Cai đã có bước đột phá, năm 2019, Lào Cai đón 5,1 triệu lượt khách du lịch và trở thành điểm sáng trong bức tranh du lịch vùng Tây Bắc. Ngoài Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, Lào Cai còn có 2 khu khu dịch cấp tỉnh và 30 điểm du lịch đã được công nhận. Hiện Lào Cai đang có hơn 300 homestay, một số hộ đạt tiêu chuẩn ASEAN. Từ chỗ không có đơn vị lữ hành du lịch, hiện toàn tỉnh đã có 34 đơn vị lữ hành, trong đó có 32 đơn vị lữ hành quốc tế, với gần 200 hướng dẫn viên du lịch và khoảng 30 nghìn nhân lực tham gia làm du lịch. Các sản phẩm du lịch của Lào Cai được báo chí thế giới, các tạp chí công nhận và dùng nhiều mỹ từ khi nhắc đến, như chợ Bắc Hà là phiên chợ hấp dẫn nhất, đỉnh Fansipan – nóc nhà Đông Dương, hoặc Ky Quan San là điểm săn mây hấp dẫn nhất Việt Nam…
Giai đoạn 2020 – 2025, du lịch Lào Cai xác định khai thác tốt lợi thế, trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, tập trung phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa và một số trọng điểm du lịch của tỉnh như thành phố Lào Cai, Bắc Hà, Bát Xát. Chia sẻ về định hướng và mục tiêu phát triển khu du lịch quốc gia, ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: Định hướng đến năm 2025, du lịch Sa Pa thu hút 6 triệu lượt khách. Để đạt được con số đó, du lịch Sa Pa cần được phát triển có chiều sâu chứ không ồ ạt mở rộng. Với những tiềm năng nổi bật để nâng tầm và phát triển du lịch, Sa Pa cần có những nhà đầu tư tiềm lực, chất lượng và hiệu quả. Các điểm dân cư, hạ tầng du lịch cần được quy hoạch hợp lý và có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chuyên môn. Chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch để du khách đến với Sa Pa thực sự hài lòng với dịch vụ, con người và cảnh quan nơi đây.
Triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất so với các tỉnh miền núi trong cả nước. Du lịch Lào Cai phấn đấu giai đoạn 2020 – 2025 đón từ 10 triệu lượt khách du lịch trở lên, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.750 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP ước đạt 22% – 23%…
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, ngành du lịch Lào Cai sẽ triển khai những giải pháp đồng bộ, góp phần tạo đột phá và phát triển bền vững cho du lịch. Tập trung nâng cao chất lượng toàn diện về du lịch, bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn vay, chương trình mục tiêu về hạ tầng du lịch và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn trên các tuyến, điểm, khu du lịch, đồng thời rà soát, đánh giá, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của dịch vụ, sản phẩm du lịch đã có. Tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh.
Với việc thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tin tưởng rằng du lịch Lào Cai sẽ sớm khẳng định được là một trong những trụ cột chính, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, đóng góp lớn vào sự phát triển của tỉnh.