Bánh khúc được làm từ gạo nếp nương. |
Món bánh khúc làm từ gạo nếp và lá khúc, gạo thường là nếp nương hạt đều, có hương thơm, dẻo. Cây khúc là một loại thân cỏ, mọc tự nhiên ở ven ruộng, bìa rừng, dùng lá hoặc thân cây luộc rồi vắt lấy nước nhuộm bột. Gạo nếp được vo sạch, ngâm khoảng 2 tiếng, để ráo nước rồi đem nghiền thành bột mịn, sau đó trộn với đường hoặc giữ nguyên, tuỳ theo khẩu vị mỗi gia đình.
Đến nay, người dân Tùng Lâu vẫn còn giữ được những bộ chày, cối đá cổ xưa rất to và nặng. Chiếc chày làm từ thân gỗ nghiến, lim, sến… là loại gỗ tốt, sử dụng được lâu. Cối giã được chôn cố định dưới đất, đẽo từ đá xanh. Người giã phải có sức khoẻ, dẻo dai, 2 người đứng dậm chày, thêm 1 người điều chế nước khúc cho bột giã được đều màu.
Bàn tay khéo léo của phụ nữ làm nên hương vị bánh khúc. |
Bột nếp được bàn tay khéo léo của người phụ nữ nhào nặn và gói thành từng chiếc bánh hình chữ nhật bằng lá chuối rừng, có người cho thêm nhân lạc hoặc nhân đỗ xanh thay vì làm bánh chay.
Bánh khúc đồ khoảng 4 tiếng thì chín, những chiếc bánh đầu tiên lấy ra được đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Lá bánh sau khi đồ có màu vàng sậm, bánh khúc lúc này chuyển màu xanh sẫm, có độ mềm dẻo, ngọt đậm đà, thơm hương, khi bóc phải khéo léo tước từng sợi lá nhỏ để bánh không dính lá.
Bánh khúc sau vài ngày sẽ cứng lại nhưng khi hấp hoặc rán là bánh lại mềm dẻo. Khách đến chơi sẽ được chủ nhà mời món bánh khúc; khi khách ra về, gia chủ gói vài chiếc bánh làm quà. Những người Nùng Dín Mường Khương khi đi công tác, học hành nơi xa đều mang theo những chiếc bánh của quê hương./.