Khuôn đúc lưỡi cày có bộ khung hình tam giác, phần khuôn dưới làm một điểm khuyết hình tam giác để tra đế cày. Đế to hay nhỏ tùy thuộc vào người sử dụng. Bộ phận này gọi là “nủ” và có vai trò quan trọng trong việc quyết định độ cong và lưỡi cày có “ăn” đất hay không.
Nguyên liệu để làm khuôn đúc là gỗ và đất trắng. Đây là loại đất có màu trắng chịu được nhiệt độ cao, do người dân lấy tại xã Bản Liền, Bắc Hà – nơi có trữ lượng không nhiều. Việc chế tác khuôn đúc lưỡi cày cần độ chính xác cao. Người thợ dùng khuôn gỗ dày khoảng 7 cm. Họ lấy đất trắng nhào nặn kỹ lọc bỏ toàn bộ hạt sạn, sau đó trộn với bột than rồi đắp dần vào khuôn gỗ, quét qua mặt khuôn, tỉ mẩn miết những chỗ lồi, lõm trên khuôn đúc. Lớp đất được phết dày khoảng 1 cm có độ ẩm vừa phải. Công đoạn này rất tỉ mỉ, kéo dài cả tuần.
Bộ khuôn đúc lưỡi cày của người Mông tại Bảo tàng tỉnh. |
Để có độ bền cho khuôn đúc cần một bộ khung cố định đặt khuôn lên. Người Mông thường chồng 2 mảnh của khuôn đúc, cố định và hàn lớp đất trắng bịt kín khuôn đúc. Mỗi bộ khuôn đúc hoàn chỉnh có cân nặng khoảng 60 đến 70 kg, trong đó đất chịu nhiệt chiếm tới 80% trọng lượng.
Đất chịu nhiệt để chế tác. |
Với vốn kinh nghiệm qua bao thế hệ cùng sự sáng tạo trong lao động, người Mông đã tạo ra bộ khuôn đúc lưỡi cày mang những nét riêng. Những lưỡi cày này vừa phải đảm bảo tiêu chí gọn, nhẹ lại vừa phải chắc chắn, có khả năng “trườn mình” trên đá, phục vụ cho công việc làm nương, rẫy. Lưỡi cày của người Mông đã trở thành một trong những vật dụng không thể thiếu của bà con vùng cao.
Ngày nay, người dân Lào Cai đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do đó, một số nghề làm công cụ sản xuất truyền thống, trong đó có nghề làm khuôn đúc lưỡi cày của người Mông cũng dần mai một. Những bộ khuôn đúc lưỡi cày làm bằng gỗ và đất đã không còn được sử dụng, thay vào đó, đồng bào sử dụng những bộ khuôn đúc bằng sắt. Tuy nhiên, Bảo tàng tỉnh Lào Cai hiện nay vẫn lưu giữ hai bộ khuôn đúc lưỡi cày cổ của người Mông. Hiện vật này được Bảo tàng tỉnh sưu tầm từ năm 2016. Chủ nhân của nó là ông Sùng Seo Nhà ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà. Theo ông Nhà, bộ khuôn đúc này đã được lưu truyền qua 3 thế hệ trong dòng họ của ông, vì thế đây là một trong những hiện vật có giá trị văn hóa.