Tiếp cận công nghệ bán hàng mới
Khác với mọi ngày khi chưa xảy ra dịch Covid-19, chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, xã Tả Van (thị xã Sa Pa) đã tiếp cận công nghệ bán hàng online. Trước đây, khách đến rất đông, chị và các thành viên trong hợp tác xã không có thời gian nghỉ, nhưng từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 khiến khách du lịch đến Sa Pa giảm mạnh, thậm chí thời điểm giãn cách xã hội, hầu như đóng cửa không đón khách… Lúc đầu, chị Sùng Thị Lan cùng các thành viên trong hợp tác xã loay hoay trước tình thế đó, nhưng dần dần đã tìm hướng tháo gỡ.
Chị Sùng Thị Lan giới thiệu sản phẩm thổ cẩm trên facebook. |
Hằng ngày, ngoài thời gian lặn lội đi đến các bản vùng cao để sưu tầm những sản phẩm thổ cẩm cũ của bà con về tái chế, đưa vào thiết kế các sản phẩm mang tính ứng dụng trong cuộc sống hiện đại như tranh thổ cẩm, gối thổ cẩm, túi, ví, lót cốc… chị Sùng Thị Lan còn chụp ảnh sản phẩm đăng trên trang facebook cá nhân giới thiệu cho khách. Vào mùa thu hoạch mận Tả Van địa phương, chị lên tận vườn mận “live stream”, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương. Chị còn tổ chức cho du khách nhỏ lẻ nội tỉnh và trong nước trải nghiệm làm hương truyền thống của người Giáy, làm bánh của người Giáy, trải nghiệm thu hoạch mận chín…
Chị Cao Hương, chủ homestay La Baeutes Bắc Hà thay đổi cách tiếp cận khách nghỉ, thay vì trước đây đón khách theo ngày, chị cho khách nghỉ dài ngày đối với những du khách nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam. Làm du lịch, chị Cao Hương có lợi thế được đi nhiều nơi, biết nhiều điểm đẹp, chị cũng ghi chép lại những chuyến đi, cộng tác với một số báo, tạp chí khi có đặt hàng. Cùng với đó, chị tìm cách tiếp cận các nguồn hàng quà tặng lưu niệm độc đáo như son, xà bông handmade, mật ong bản địa, thổ cẩm và các loại trà thảo mộc… để giới thiệu, bán cho người có nhu cầu. Đó cũng là cách chị Cao Hương có một khoản thu nhập thêm trong lúc homestay vắng khách. Chị chụp những bức ảnh đẹp để vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm, cảnh đẹp của vùng cao Lào Cai, vừa để bán các nông sản đặc hữu của địa phương cho du khách.
Phát triển canh tác nông nghiệp hữu cơ
Không đầu hàng trước khó khăn, nhiều người kinh doanh dịch vụ du lịch đã chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo nguồn nông sản an toàn cho gia đình, đồng thời xây dựng mô hình vườn sinh thái, cải tạo cảnh quan môi trường, sẵn sàng đón khách trở lại khi dịch được khống chế.
Chị Bùi Thị Oanh, chủ homestay Sa Pa Soul’s, xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) lại chọn cách làm nông nghiệp organic như một thú vui để hình thành farmstay, nhưng từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, gia đình chị có khoản thu nhập tăng thêm khi du lịch đang trong giai đoạn ế ẩm… Chị đã trồng một số loại sản phẩm nông nghiệp như dưa chuột, bí đĩa bay khổng lồ, ngô nếp tím, đậu cúc Pinto, các loại rau phục vụ những bữa ăn healthy, nước ép theo xu hướng của thị trường. Lợi thế khí hậu ôn đới nên chị tận dụng diện tích đất để cải tạo khu vườn trồng đa dạng, phong phú các loại rau, hoa, quả. Chị Oanh tâm sự: Khi không có khoản thu nhập thường xuyên từ dịch vụ homestay như mọi năm, thì các nông sản hữu cơ đã “cứu cánh” tài chính cho gia đình trong mùa dịch.
Chị Bùi Thị Oanh chọn đậu pinto cho khách đặt mua. |
Giống chị Oanh, cô gái dân tộc Tày Lý Xuân Diện, chủ homestay Xuân Diện ở xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) đã lựa chọn trồng măng tây, nuôi cá. Hiện tại, mỗi kg măng tây có giá bán tại vườn 70 nghìn đồng, đem lại khoản thu nhập đáng kể cho gia đình. Có những lần măng tốt, có thể thu hái 6 – 7 kg măng tây trong ngày. Ngoài ra, sẵn có ao nuôi cá và dòng suối gần nhà, Lý Xuân Diện đã đầu tư thêm mô hình nuôi vịt quy mô 100 con. Tranh thủ thời gian hạn chế đón khách du lịch, gia đình chuyển hướng một phần dịch vụ sang nông nghiệp, đồng thời duy trì phát triển làm nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho dịch vụ homestay của gia đình.
Du lịch online trong mùa dịch
Sự hạn chế đi lại trong mùa dịch đã khiến những người làm du lịch ở Sa Pa gặp khó. Do vậy, cô gái dân tộc Giáy với các tên nổi tiếng trên Youtube “Hướng Giáy Sa Pa” của Vũ Ngọc Hướng đã sáng tạo tổ chức du lịch online qua ứng dụng công nghệ Zoom. Từ tháng 9/2021, Vũ Ngọc Hướng tổ chức các tour du lịch mang tên như hương sắc mùa thu – trải nghiệm về vẻ đẹp mùa thu trên di sản ruộng bậc thang ở vùng cao Lào Cai; tour “Hương trăng” đưa du khách tìm về nét độc đáo tết Trung thu truyền thống của người Giáy; hoặc tour “Tắm lá thuốc người Dao đỏ – những điều bạn chưa biết”;tour “Màu chàm” tìm hiểu về nghề nhuộm chàm của dân tộc Mông đen ở Sa Pa… và mới đây nhất là tour đặc biệt “Chợ tình Sa Pa” tổ chức vào 20 giờ ngày 19/11.
Chỉ với 70.000 đồng, kết nối qua ứng dụng công nghệ Zoom trên thiết bị máy tính hoặc điện thoại thông minh, bạn có thể cùng Vũ Ngọc Hướng, bà con dân tộc bản địa và những du khách “online” khắp mọi miền đất nước cùng giao lưu trực tuyến an toàn trong mùa dịch.
Chị Dương Thu Hương, du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Mặc dù không được đến tận nơi chứng kiến, nhưng qua tour du lịch đặc biệt này, tôi vẫn cảm nhận được chân thực và sống động những gì đang diễn ra ở mảnh đất xa xôi cách tôi hàng nghìn cây số, tôi như được hòa mình vào cuộc sống và khám phá nhiều bản sắc văn hóa du lịch vùng cao Lào Cai.
Sản phẩm trải nghiệm du lịch online của cô gái dân tộc Giáy đã chinh phục được giải Vàng trị giá 120 triệu đồng tại vòng chung kết cuộc thi “Thách thức sáng kiến kinh doanh” thuộc Dự án “Tăng cường tiếp cận các cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số”…
Những cách làm sáng tạo trên đều xuất phát từ sự năng động, chủ động tìm hướng vượt qua đại dịch toàn cầu của những người hoạt động trong lĩnh vực kinh tế du lịch ở Lào Cai. Không trông chờ vào hỗ trợ, họ đã bắt nhịp với xu hướng của dòng chảy cuộc sống để phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần giảm bớt khó khăn trong mùa dịch.