Có trong tay vốn tài nguyên du lịch khá phong phú như được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vỹ, nguyên sơ, tươi đẹp, địa hình núi cao, chia cắt tạo nên nhiều tiểu vùng khí hậu giúp vùng cao Mường Khương thích hợp để phát triển du lịch. Trong đó, khu vực các xã Cao Sơn, Tả Thàng, La Pan Tẩn ở độ cao 1.200 – 1.400 m so với mực nước biển, có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, leo núi. Mường Khương còn có 16 hang động ở 15 xã, thị trấn, trong đó động Hàm Rồng (thị trấn Mường Khương), động Na Măng (xã Pha Long), hang Nấm Oọc (xã Nấm Lư) là những hang động lớn, nguyên sơ. Rừng chè Shan tuyết cổ thụ Tả Thàng, vùng chè Lùng Vai, Thanh Bình, vùng quýt Mường Khương hoặc vùng dứa Bản Lầu là những nơi phù hợp để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, du lịch sinh thái, trải nghiệm…
Cộng đồng các dân tộc vùng cao Mường Khương giàu bản sắc văn hóa để thu hút du khách. |
Không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, Mường Khương còn là nơi sinh sống của 14 dân tộc anh em, tạo nên không gian truyền thống dân gian nguyên bản với những làng cổ của người Nùng, Mông, Pa Dí, Bố Y… cùng nhiều lễ hội diễn ra quanh năm như Lễ hội Gầu Tào (Say Sán), Lễ cấm rừng, Lễ mừng Chiến thắng… Nơi đây còn có hơn 10 chợ phiên truyền thống mang đặc trưng của các dân tộc, trải đều từ vùng thấp đến vùng cao của huyện. Chợ phiên Thanh Bình, Lùng Khấu Nhin hay Cao Sơn, Pha Long đã được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm.
Mặc dù giàu tiềm năng du lịch nhưng trong những năm qua, du lịch Mường Khương vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch của tỉnh. Lượng khách du lịch hằng năm đến Mường Khương còn khiêm tốn. Theo thống kê của huyện, lượng khách du lịch đến Mường Khương năm 2016 là 11.000 lượt, đến năm 2019 là 12.300 lượt. Trung bình hằng năm, tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch của Mường Khương chỉ đạt hơn 3%.
Một trong những yếu tố khiến du lịch Mường Khương chậm phát triển, chưa thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước là hệ thống giao thông kết nối của địa phương chưa đồng bộ. Ngoài tuyến Quốc lộ 4D huyết mạch thường xuyên được nâng cấp, tu bổ thì các tuyến giao thông khác đã xuống cấp. Trong đó, Tỉnh lộ 153, Tỉnh lộ 154 và tuyến đường U Thài – Lùng Khấu Nhin kết nối các xã vùng cao đã xuống cấp nhiều năm, không chỉ khiến người dân đi lại khó khăn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch trên địa bàn.
Anh Tẩn Phà Sáng, thôn Thải Giàng Chải, xã Lùng Khấu Nhin cho biết: Tôi đã không ít lần chứng kiến các đoàn khách du lịch phải quay trở lại vì tuyến đường qua xã hẹp và xuống cấp. Rất mong tuyến đường được nâng cấp, mở rộng để người dân và du khách đi lại thuận tiện.
Huyện Mường Khương giàu tiềm năng phát triển du lịch. |
Mường Khương hiện cũng chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách. Tất cả tiềm năng về thiên nhiên, con người, văn hóa cũng chưa được đầu tư đúng mức, bởi trên địa bàn huyện hầu như chưa có doanh nghiệp lớn nào hoạt động hoặc đầu tư phát triển du lịch. Đa số khách du lịch đến Mường Khương chủ yếu đi đơn lẻ, không theo tour, tuyến. Thời gian khách lưu trú lại địa bàn huyện cũng rất ít do thiếu cơ sở lưu trú, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc khu, điểm vui chơi, giải trí. Du lịch Mường Khương cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với các trung tâm du lịch lớn của tỉnh như thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa hoặc Bắc Hà.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Khương cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, cơ cấu ngành thương mại – dịch vụ – du lịch đạt 36,8%, trong đó, tổng lượng khách du lịch đến năm 2025 sẽ đạt 16.000 lượt. Huyện xác định tập trung nguồn lực phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, đi thuyền ngược sông Chảy, trải nghiệm các cung đường vùng cao, du lịch thể thao, khám phá; trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, homestay…
“Chúng tôi sẽ tiếp tục xúc tiến và quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đào tạo nhân lực ngành du lịch, kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dịch vụ, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc của địa phương. Chúng tôi mong nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động lữ hành trong và ngoài tỉnh, góp phần thúc đẩy ngành du lịch huyện phát triển” – ông Trịnh nói thêm.