Mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử
Khu di tích Bảo Hà được quy hoạch, xây dựng khang trang. |
Đền Bảo Hà là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng không chỉ ở Lào Cai mà trong phạm vi cả nước. Ngoài đền Bảo Hà, trên địa bàn huyện Bảo Yên còn có 9 di tích đã được các cấp xếp hạng (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia; 7 di tích, danh thắng cấp tỉnh), 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của riêng Bảo Yên (Lễ hội đền Bảo Hà) và một số di sản văn hóa phi vật thể chung của cả tỉnh, như chữ Nôm Dao, lễ cấp sắc, kéo co Tày – Giáy, then Tày… Huyện Bảo Yên đang trình cấp có thẩm quyền đề nghị công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày.
Về tiềm năng du lịch cộng đồng, xã Nghĩa Đô được coi là điểm hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình này gắn với văn hóa dân tộc. Nơi đây có nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, nổi bật là các bản làng của người Tày với kiến trúc nhà sàn độc đáo, cùng với những giá trị văn hóa truyền thống như các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, ẩm thực, các di tích lịch sử, văn hóa và con người thân thiện mến khách…
Đồng bào Tày Nghĩa Đô giữ gìn bản sắc văn hóa. |
Theo Phòng Văn hóa – Thông tin Bảo Yên, năm 2013, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các chuyên gia nghiên cứu người Pháp triển khai dự án xây dựng xã Nghĩa Đô trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Dự án bắt đầu thí điểm mô hình homestay đối với 6 hộ gia đình có mô hình nhà sàn tiêu biểu, mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày tại xã Nghĩa Đô. Đây đồng thời là bước phát triển khởi đầu cho du lịch cọng đồng của Nghĩa Đô nói riêng và huyện Bảo Yên nói chung. Từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm, Nghĩa Đô đón khoảng 1.000 lượt khách, trong đó chủ yếu là khách quốc tế. Phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là các tiêu chí thu nhập và chuyển đổi cơ cấu lao động của khu vực nông thôn.
Kết nối du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện tiếp tục xác định phát triển du lịch tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Đề án số 05 của Ban Chấp hành Huyện ủy Bảo Yên về phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 – 2025 đặt mục tiêu phát triển du lịch tâm linh từng bước trở thành trung tâm của du lịch tâm linh của tỉnh và của khu vực Tây Bắc; gắn kết phát triển du lịch tâm linh với các sản phẩm du lịch đặc trưng là thế mạnh của tỉnh, của huyện, như du lịch lịch sử, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, du lịch văn hóa, lễ hội… nhằm thwucj hiện thành công việc phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Với du lịch cộng đồng, huyện đặt mục tiêu huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Khôi phục, phát huy, khai thác giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, cảnh quan thiên nhiên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng để tạo ra những sản phẩm du lịch cộng đồng hấp dẫn để thu hút du khách đến trải nghiệm, thụ hưởng và cảm nhận những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Bảo Yên.
Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng huyện Bảo Yên đặt ra là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch, trung tu tôn tạo các di tịch, danh thắng. Lồng ghép các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh, của huyện để tăng nguồn lực đầu tư cho du lịch. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhận, tổ chức, doanh nghiệp nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa, du lịch và vui chơi giải trí phù hợp. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lây sản phẩm và thương hiệu du lịch làm trọng tâm.
Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển du lịch, Bảo Yên sẽ có cơ chế khuyến khích sự tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch vì chính sự tham gia của người dân sẽ góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, từ đó người dân sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tham gia các hoạt động du lịch.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, thời gian qua, huyện đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó sử dụng hiệu quả nguồn lực để quy hoạch, xây dựng khu đô thị Bảo Hà trở thành đô thị cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng để phát triển du lịch văn hóa tâm linh Bảo Hà trở thành trung tâm văn hóa du lịch tâm linh của khu vực Tây Bắc và cả nước. Xây dựng đền Bảo Hà thành điểm nhấn trung tâm du lịch tâm linh của địa phương, nằm trong trục du lịch tâm linh trọng điểm của huyện Bảo Yên, cùng các di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như Di tích Phố Ràng, đền Phúc Khánh, đền Cô Tân An.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Bảo Yên. Lấy xã Nghĩa Đô làm trung tâm, xây dựng Nghĩa Đô trở thành trung tâm bảo tồn văn hóa dân tộc Tày vùng sông Chảy… tạo trục kết nối giữa du lịch tâm linh vùng Bảo Hà với vùng du lịch sinh thái cộng đồng Nghĩa Đô.
Huyện Bảo Yên đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng lượng khách du lịch đến địa bàn đạt 2,5 triệu lượt. Doanh thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng Du lịch cộng đồng, trọng tâm là xã Nghĩa Đô đón 10.000 lượt khách, trong đó có 5.000 lượt khách nước ngoài. Doanh thu du lịch cộng đồng đến năm 2025 đạt khoảng 30 tỷ đồng. Khôi phục và duy trì tổ chức thường niên 3 lễ hội truyền thống Lập hồ sơ đề nghị công nhận 2 di tích cấp tỉnh |