– Thưa đồng chí! Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch Lào Cai đã nỗ lực như thế nào để “vực dậy” ngành kinh tế mũi nhọn này?
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt sau khi đại dịch được kiểm soát, ngành du lịch Lào Cai đã nỗ lực rất nhiều để “vực dậy” ngành kinh tế mũi nhọn này.
Cụ thể, từ ngày 15/4/2022, sau khi được thành lập, Sở Du lịch đã kiện toàn bộ máy, nhanh chóng đi vào hoạt động, đồng thời chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực để phục hồi và phát triển du lịch. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường, tổ chức xây dựng các sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu của địa phương như: Festival Tinh hoa Tây Bắc với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh”; Chương trình nghệ thuật “Sa Pa lặng lẽ yêu – The Mong Show”; sản phẩm du lịch thể thao mới Giải “Triathlon 2022” tại Bắc Hà; tái hiện Chợ tình Sa Pa; Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà; Lễ hội Tình yêu và Hoa hồng tại dinh Hoàng A Tưởng (huyện Bắc Hà); Sa Pa – thổ cẩm và hoa; 8 sản phẩm du lịch thể thao kết hợp nhiều loại phương tiện như đi bộ, xe đạp, ô tô, cano, kayak, chạy bộ, cưỡi ngựa tại Bắc Hà; đưa vào thử nghiệm 2 sản phẩm tour thể thao mạo hiểm trượt thác nước… góp phần thu hút lượng lớn khách du lịch đến Lào Cai.
Kết quả, năm 2022, Lào Cai đón khoảng 4.477.000 lượt khách, tăng 12% so với kế hoạch năm, tăng gần 220% so với năm 2021. Tổng thu từ du lịch hơn 15.000 tỷ đồng, tăng 5% so với kế hoạch năm, tăng 258% so với năm 2021.
Lào Cai tập trung phát triển nhiều loại hình du lịch. |
– Năm 2023, Lào Cai đặt ra mục tiêu đón 6 triệu lượt khách du lịch, cao hơn 1 triệu lượt so với năm đỉnh cao (năm 2019). Điều này thể hiện sự tự tin của ngành du lịch tỉnh trong năm 2023, thưa đồng chí?
Du lịch Lào Cai tự tin với mục tiêu đón 6 triệu lượt khách trong năm 2023 là hoàn toàn có cơ sở. Trước hết, tài nguyên du lịch của Lào Cai giàu có, đa dạng, phong phú cả về tự nhiên và văn hóa. Tỉnh Lào Cai đã quan tâm thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch với những dự án lớn như cáp treo Fansipan với tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng của Tập đoàn Sun Group; dự án Công viên văn hóa Mường Hoa, Sa Pa với tổng mức đầu tư khoảng 4.700 tỷ đồng; khu công viên vui chơi giải trí xã Bản Qua, huyện Bát Xát với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng Hòa Bình – Pacific Resort với tổng số vốn gần 70 tỷ đồng; khách sạn Golden Dragon Sa Pa với tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái tại huyện Bắc Hà với tổng vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng…
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, quy hoạch, chiến lược, chính sách phát triển du lịch rất rõ ràng. Cùng với đó là sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là của doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, lữ hành.
Một trong những yếu tố rất quan trọng đó là du lịch đã mở cửa hoàn toàn từ tháng 3/2022 sau thời gian dài gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, đến đầu tháng 1/2023, thị trường khách du lịch Trung Quốc cũng đã trở lại. Đó là những cơ sở vững chắc để Lào Cai tự tin chinh phục mục tiêu đón 6 triệu lượt khách du lịch trong năm nay.
Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. |
– Mục tiêu đã đặt ra và nhiệm vụ quan trọng là phải hiện thực hóa. Vậy ngành du lịch tỉnh đã có những giải pháp căn cơ như thế nào?
Để du lịch Lào Cai ngày càng phát triển, là điểm đến thu hút du khách, năm 2023, ngành đã đưa ra 8 nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính, đất đai và đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; phát triển sản phẩm du lịch và mở rộng thị trường; đầu tư nguồn lực và đẩy mạnh xã hội hóa; thông tin, tuyên truyền; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, bảo vệ môi trường; hợp tác phát triển trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong năm 2023. Đối với công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, ưu tiên thu hút đầu tư cho các vùng có tiềm năng phát triển du lịch như thành phố Lào Cai, Bát Xát, Bắc Hà và đặc biệt là Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Nguồn lực từ ngân sách đầu tư tập trung cho việc phát triển hạ tầng. Đến nay, Lào Cai là tỉnh duy nhất trong khu vực Tây Bắc hội tụ đủ các loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và tiến tới là đường hàng không (Cảng Hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1773/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức đối tác công tư – PPP). Hệ thống đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã hoàn thành đưa vào sử dụng thực sự phát huy hiệu quả, tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đi Sa Pa đang được xây dựng và một loạt tuyến đường du lịch kết nối giao thông trong các khu du lịch trọng điểm đã được triển khai đầu tư. Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với việc kết nối, thúc đẩy du lịch phát triển. Hệ thống hạ tầng khác về kỹ thuật (giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc) và hệ thống hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo) phục vụ du lịch về cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.
Năm 2023, ngành sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác với các địa phương trong Nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng hợp tác với các thị trường khách nội địa lớn như Hà Nội, Đà Nẵng… tổ chức chương trình xúc tiến tới các thị trường nước ngoài như Úc, Hàn Quốc, Thái Lan; triển khai các nội dung thuộc lĩnh vực du lịch đã ký kết hợp tác của tỉnh Lào Cai đối với các địa phương trong và ngoài nước. Đặc biệt, ngành sẽ chuẩn bị các điều kiện để khởi động lại tour du lịch “2 quốc gia, 6 điểm đến”, tăng cường hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để khai thác thị trường khách du lịch tiềm năng này.
Lào Cai luôn tạo ra những sản phẩm mới để du khách có những trải nghiệm khác biệt trên mỗi hành trình. |
– Bước sang năm mới Quý Mão 2023, xin đồng chí chia sẻ về những khát vọng của du lịch Lào Cai?
Năm 2023, ngành du lịch Lào Cai sẽ tập trung thực hiện Kế hoạch số 392/KH-UBND ngày 1/12/2022 của UBND tỉnh về Kế hoạch tổng thể tổ chức “120 năm du lịch Sa Pa” với nhiều hoạt động, sự kiện nhằm phục hồi du lịch, đồng thời khẳng định vị thế Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, thương hiệu “Lào Cai – Điểm đến thiên nhiên, an toàn, hấp dẫn và khác biệt”. Khát vọng của du lịch Lào Cai đó là phát triển nhanh, tăng trưởng xanh, đến năm 2050, Lào Cai sẽ trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh”, “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình.
– Xin cảm ơn những chia sẻ của đồng chí trong ngày đầu năm mới!