Trong lễ cúng rừng, người dân thôn Dền Sáng bầu Tổ bảo vệ rừng của thôn. |
Lệ làng đã định, vào ngày 1/1 hoặc 2/2 âm lịch hằng năm, người Dao đỏ thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng lại tổ chức nghi lễ thiêng ở khu rừng cấm của thôn nhằm cầu xin thần rừng ban may mắn và bình an. Đây cũng là dịp giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ những cánh rừng xanh.
Để chuẩn bị cho lễ cúng rừng, trưởng thôn phân công việc đến từng hộ. Ngoài lễ vật chính là lợn do gia đình chủ lễ dâng thì tùy điều kiện, từng hộ trong thôn tự nguyện mang lễ vật như gà, rượu, giấy tiền đến góp. Theo lệ, luân phiên mỗi năm sẽ có 1 hộ đứng ra làm chủ lễ và sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng thần rừng. Chủ lễ chuẩn bị 2 con lợn đen giống địa phương từ 5 kg trở lên để dâng lễ cúng.
Trong ngày diễn ra lễ cúng rừng, các hộ trong thôn dậy từ sớm dọn nhà cửa, sửa soạn ban thờ tổ tiên. Mỗi hộ cử đại diện là nam giới ra địa điểm cúng tế để dọn khu vực quanh ban thờ gia tiên, ban thờ thần rừng, mang theo lễ vật như hương, rượu, gạo và giấy bản.
Người dân thôn Dền Sáng mang lễ vật đến khu rừng để cúng thần linh. |
Nghi lễ cúng rừng có 2 thầy cúng tham gia, 1 thầy làm lễ cúng gia tiên của các gia đình ở trong lán thờ, 1 thầy làm lễ tế ngoài trời cúng thần linh, trời đất. Các thầy cúng phải là người có uy tín, am hiểu các luật tục và được người dân trong thôn lựa chọn. Đầu tiên là lễ dâng hương, dâng lễ vật và đọc các bài cúng mời thần rừng, gia tiên của các gia đình về dự, chứng giám lòng thành của người dân. Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện hằng năm nhằm cầu thần rừng phù hộ, che chở cho cả thôn một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, mạnh khỏe, vật nuôi trong nhà lớn nhanh…
Tại lễ cúng rừng sẽ diễn ra cuộc họp thôn thảo luận những vấn đề liên quan đến thôn và những quy định bảo vệ, quản lý rừng, đồng thời bầu chọn lại các thành viên tham gia tổ bảo vệ rừng của thôn. Người Dao đỏ thôn Dền Sáng đưa ra các quy định cho cả cộng đồng bảo vệ khu rừng cấm rõ ràng, như không được chặt cây, không đốt lửa, không săn bắn trong khu rừng cấm, không lấy củi, chăn thả gia súc trong rừng… Mọi hành vi xâm phạm đến rừng đều phải nhận những hình phạt theo quy định.
Trong buổi lễ, những người cao tuổi trong thôn sẽ truyền đạt cho thế hệ kế cận trách nhiệm gìn giữ, phát triển rừng. Nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, những dược liệu quý dùng chữa bệnh có từ lâu đời của người Dao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm giữ rừng của nhiều thế hệ.
Ông Lý A San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Tục thờ thần rừng là nghi lễ truyền thống có từ cổ xưa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người Dao đỏ địa phương. Lễ cúng tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, nâng cao ý thức gìn giữ, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng cho hôm nay và mai sau.