Trong không gian nhà văn hóa thôn Bản Pho, xã Bản Qua (huyện Bát Xát), hơn chục bạn trẻ là đoàn viên, thanh niên đang miệt mài tập luyện những điệu múa chuông truyền thống của người Dao. Cả nam và nữ chia thành từng nhóm 6 người, khi múa, tay trái người múa cầm chiếc đóm, tay phải cầm chiếc chuông để đánh nhịp, một người dẫn xướng. Vừa múa, họ vừa hát những bài hát cổ xưa, mô phỏng quá trình mưu sinh trên đất mới, dựng vợ gả chồng, sinh con cái trong từng gia đình. Những chiếc chuông được lắc mạnh tạo thành nhịp đều đặn, sợi tua màu được tung lên, hạ xuống nhịp nhàng, sinh động và đẹp mắt.
Đoàn viên, thanh niên xã Bản Qua cùng nhau tập múa chuông. |
Chị Tẩn Thị Cúc, thành viên đội múa chuông xã Bản Qua tâm sự: Được ông cha truyền dạy điệu múa chuông từ nhỏ, tôi và các thành viên trong đội tích cực tập luyện mỗi khi rảnh rỗi. Tôi thấy điệu múa chuông này rất ý nghĩa, không chỉ giúp lớp trẻ hiểu được bản sắc của dân tộc mình, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mà ông cha để lại.
“Trong các nghi lễ của người Dao, múa chuông là điệu múa linh thiêng để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Trong điệu múa này, chiếc chuông nhỏ bằng đồng có chuôi là đạo cụ chính để người múa cầm, kết hợp với một số đạo cụ phụ như trống con, đàn nhị, sáo… tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng nhưng rộn ràng, khỏe khoắn, đưa bước chân các chàng trai, cô gái Dao nhún nhảy theo điệu múa” – chị Cúc giải thích thêm.
Người cao tuổi kể lại sự tích điệu múa cho đoàn viên, thanh niên. |
Chị Chảo Tả Mẩy, Bí thư Chi đoàn thôn Bản Pho, xã Bản Qua cũng chia sẻ: Từ khi còn là những cô bé, cậu bé, chúng tôi đã tiếp xúc với các điệu múa chuông của dân tộc và được ông bà, cha mẹ truyền dạy, hướng dẫn. Với người Dao, các tín ngưỡng văn hóa, điệu múa truyền thống, trong đó có múa chuông đã ngấm vào máu, tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng múa thuần thục điệu múa này. Nhờ chăm chỉ tập luyện, các tiết mục của đội được biểu diễn trong nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ ở xã, huyện và được mọi người đón nhận nhiệt tình.
Anh Phan Văn Chức, Bí thư Đoàn xã Bản Qua thông tin: Xã hiện có 11 đội múa chuông, trong đó thanh niên là thành phần nòng cốt. Đây là nơi để các bạn trẻ thể hiện tình yêu với điệu múa truyền thống của dân tộc mình; đồng thời, thông qua những buổi biểu diễn đã lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc, giúp các bạn trẻ có thêm thu nhập và năng động, tự tin hơn. Đặc biệt, chúng tôi cũng lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt hè để dạy múa chuông cho thiếu nhi với mong muốn sẽ có nhiều bạn trẻ chung niềm đam mê, giúp truyền thống văn hóa được lưu giữ và phát huy qua từng thế hệ, mãi là niềm tự hào của dân tộc mình.
Mỗi dịp lễ, tết, ngày hội, điệu múa chuông lại vang lên trên khắp các bản làng của người Dao ở Bản Qua và càng trân quý hơn khi điệu múa ấy đang được các bạn trẻ tiếp thu, bảo tồn.