Về phía Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Mạnh Hùng, Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Trung tâm Việt – Úc; lãnh đạo các vụ, viện thuộc Học viện; các chuyên gia của tổ chức Aus4Skills.
Về phía Tỉnh ủy Lào Cai, dự hội thảo có Tiến sỹ Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bắc Hà và các đơn vị có liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sỹ Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Bắc Hà có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc, nhưng trong những năm qua, ngành du lịch địa phương chưa có bước phát triển tương xứng với tiềm năng.
Để thực hiện mục tiêu “phát triển hài hòa, phát triển kinh tế nhanh nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, bền vững” và đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ, Tiến sỹ Hoàng Giang đề xuất: Việc phát triển du lịch đặc sắc phải gắn với bảo đảm những vấn đề về môi trường, văn hóa, sự phát triển bền vững. Làm thế nào để Bắc Hà có nét độc đáo riêng có, thể hiện bản sắc văn hóa và con người vùng cao Tây Bắc giàu truyền thống cách mạng, không trùng lặp với một địa phương khác trong vùng.
Cần phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và việc huy động được tài dân, sức dân trong xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, tạo ra những sản phẩm du lịch bản sắc, vừa góp phần phát triển du lịch, vừa nâng cao đời sống Nhân dân, giảm nghèo bền vững. Để phát triển được du lịch Bắc Hà trong bối cảnh hiện nay, cần khai thác được tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa của từng địa bàn, từng dân tộc; nâng cao chất lượng các điều kiện hạ tầng du lịch thiết yếu và nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát, tư vấn các chính sách của chuyên gia về du lịch nhằm hỗ trợ khai thác khu vực có tiềm năng. Chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái…
Đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu: Những năm qua, du lịch Bắc Hà đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, dần dần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Ngành du lịch – dịch vụ chiếm 41% trong GRDP của huyện với điểm nhấn là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, đặc biệt là các giá trị bản địa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Bắc Hà còn hạn chế. Thực tế phát triển cũng như những mục tiêu đặt ra trong tương lai đòi hỏi cần có sự phân tích, đánh giá khách quan, khoa học, sâu sắc, đa chiều và nguyên nhân những hạn chế trong phát triển du lịch huyện Bắc Hà thời gian qua, tìm ra những giải pháp phù hợp để thúc đẩy kinh tế du lịch trong thời gian tới, tạo ra những sản phẩm mới, đặc trưng, ấn tượng, hấp dẫn mang thương hiệu riêng, qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đưa Bắc Hà ra khỏi danh sách huyện nghèo.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu được nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm ra những giải pháp phù hợp, xây dựng sản phẩm du lịch mới đặc trưng, ấn tượng, hấp dẫn mang thương hiệu riêng của Bắc Hà – Lào Cai, góp phần từng bước đưa khu du lịch Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc cấp tỉnh và khu vực Tây Bắc…
Hội thảo chia làm 2 phiên. Trong phiên thứ nhất, các đại biểu tập trung tham luận về các nội dung: Phát triển du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đột phá của tỉnh Lào Cai; chia sẻ kinh nghiệm từ Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Bắc Hà; phát triển cây dược liệu ở Bắc Hà gắn với du lịch.
Phiên thứ hai, các đại biểu tham luận về tiềm năng và giải pháp phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến du lịch đặc sắc; thực trạng phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của huyện Bắc Hà; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chiến lược phát triển du lịch đặc sắc.
Tham luận tại hội thảo, Tiến sỹ Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết số 11 ngày 27/8/2021 về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, du lịch Lào Cai là ngành kinh tế mũi nhọn đột phá, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành ngành kinh tế chủ đạo quan trọng, là động lực phát triển kinh tế – xã hội, có hệ thống hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế.
Tham gia hội thảo, thạc sỹ Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà cho biết: Bắc Hà đang trong giai đoạn phát triển du lịch nhưng còn nhiều khó khăn. Thời điểm này là cơ hội cho Bắc Hà khi du lịch trải nghiệm đang trở thành xu hướng. Ngoài ra, nhiều chủ trương, chính sách, hạ tầng du lịch cơ bản được nâng cấp. Du lịch Bắc Hà được học hỏi được kinh nghiệm từ các địa phương… Địa phương cũng gặp nhiều thách thức: Đứng trước sự phát triển của xã hội, hiện đại hóa, nguy cơ mai một bản sắc văn hóa; nguồn nhân lực còn thiếu và sự cạnh tranh lớn từ các địa phương có tính chất tương đồng.
Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, sự ưu đãi của thiên nhiên đối với mảnh đất Bắc Hà, nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh và huyện về phát triển du lịch Bắc Hà đã được ban hành và gần đây nhất, tại Nghị quyết số 11 ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bắc Hà trở thành trung tâm du lịch, vùng trọng điểm về du lịch khu vực II phía Đông Bắc của tỉnh, ngành kinh tế mũi nhọn và là khâu đột phá về kinh tế của huyện. Đến năm 2030, Bắc Hà là khu du lịch đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc, tạo tiền đề đến năm 2050 trở thành khu du lịch quốc gia, có hệ thống hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa.