Không có một khái niệm đồng nhất cho du lịch mạo hiểm, tuy nhiên, theo Tổ chức Du lịch mạo hiểm thương mại (Adventure Travel Trade Association – ATTA), du lịch mạo hiểm là chuyến đi có ít nhất 2 trong 3 yếu tố hoạt động thể lực, môi trường tự nhiên và trải nghiệm văn hóa.
Năm 2018, huyện Bát Xát đã thử nghiệm thành công hoạt động bay dù lượn.
Thác Tình Yêu được mệnh danh là một trong những thác nước đẹp nhất của Lào Cai nằm trong khu vực rừng sinh thái của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Thác nước là địa điểm hấp dẫn, thu hút du khách khi đến Sa Pa. Đặc biệt, với nhiều thác nhỏ ở đầu và cuối nguồn cùng dòng suối Vàng thơ mộng, thác Tình Yêu thuận lợi cho hoạt động vượt thác nước (canyoning) và leo núi. Năm 2019, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Lào Cai đã khảo sát và đưa chương trình du lịch mạo hiểm leo thác Tình Yêu vào vận hành thử nghiệm. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai và vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp). Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, xây dựng cung đường trải nghiệm phù hợp và vận hành thử nghiệm thành công nhiều lần, loại hình trên đã được đưa vào khai thác. Khi tham gia tour du lịch, du khách phải sử dụng những kỹ năng đặc biệt, dưới sự giám sát của hướng dẫn viên được đào tạo chuyên nghiệp. Du khách được hướng dẫn cách sử dụng những trang – thiết bị an toàn, kỹ thuật đu dây, cách đi bộ giữa dòng thác…
Anh Cao Anh Minh, du khách đến từ Hà Nội tâm sự: Tôi đã từng vào Đà Lạt để tham gia một tour leo núi, vượt thác. Khi biết Sa Pa cũng có loại hình du lịch này, tôi mong được một lần trải nghiệm, đây là hành trình thú vị và hấp dẫn đối với những người ưa du lịch mạo hiểm như tôi.
Sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Đề án “Phát triển văn hóa, du lịch; xây dựng Khu Du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế giai đoạn 2020 – 2025” nêu rõ: Sa Pa sẽ xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, trong đó có sản phẩm Sa Pa – xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn; xây dựng sản phẩm du lịch chinh phục đỉnh cao, gồm khôi phục lại chương trình leo núi Fansipan, tuyến leo núi chinh phục Ngũ Chỉ Sơn. Ngoài ra, hình thành các sản phẩm du lịch mang tầm quốc tế như du lịch dù lượn, leo thác, đua xe đạp leo núi…
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Du lịch mạo hiểm không phải loại hình quá mới đối với Sa Pa nhưng trước đây sản phẩm này chưa có kế hoạch khai thác hiệu quả. Thời gian tới, với những kế hoạch phát triển mới, Sa Pa mong muốn sẽ được nhiều du khách biết đến từ các sản phẩm du lịch độc đáo.
Ngoài Sa Pa thì Bát Xát cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm. Bát Xát có địa hình được kiến tạo bởi các dãy núi cao dần theo hướng Tây Bắc. Bát Xát còn sở hữu những cung đường thích hợp với du lịch mạo hiểm như đua xe đạp địa hình (tuyến Trịnh Tường – Lũng Pô, Mường Hum – Y Tý, Ngải Thầu Thượng – Y Tý…); leo núi chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn; dù lượn tại khu vực Mường Hum – Dền Thàng – Sàng Ma Sáo; khám phá các thác nước Ong Chúa, thác Rồng, thác Xanh, thác Thiên Sinh…; khám phá hang động Mường Vi, động Phìn Ngan.
Trong những năm qua, UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo Phòng Văn hóa – Thông tin khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch mới để khai thác các tiềm năng của địa phương cũng như tạo ra các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Từ năm 2017 đến nay, Bát Xát đã tổ chức thành công giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, giải đua xe đạp; khảo sát và thử nghiệm bay dù lượn năm 2018, chèo thuyền kayak và camping năm 2019…
Bát Xát đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025” và chỉ rõ: Du lịch mạo hiểm sẽ là một trong những sản phẩm đặc trưng và là thế mạnh của huyện. Từ đó, huyện xây dựng sản phẩm “Bát Xát – thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”; đầu tư xây dựng 7 tuyến trekking. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các giải đua xe đạp và chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, Ky Quan San thường niên; nghiên cứu tổ chức giải marathon với các chủ đề hấp dẫn…
Du lịch mạo hiểm được ưa chuộng đặc biệt đối với giới trẻ. Tuy nhiên, với trào lưu du lịch tự do, tại nhiều điểm du lịch mạo hiểm có hiện tượng du khách đi tự phát, không có tổ chức, không tuân thủ các quy định. Ông Phạm Văn Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Huyện sẽ hoàn thiện bộ máy quản lý tại các điểm để ứng phó với các tình huống rủi ro xảy ra. Huyện còn tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng du lịch cho người dân tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm; niêm yết nội quy tại các điểm du lịch mạo hiểm; hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận các điểm du lịch mạo hiểm. Bên cạnh đó, xây dựng các biển báo bảo vệ môi trường, các thùng rác dọc tuyến du lịch mạo hiểm và yêu cầu du khách, người dân phải giữ gìn vệ sinh môi trường cùng các chế tài xử lý khi phát hiện sai phạm.
Với mục tiêu phấn đấu trở thành địa phương có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn so với các tỉnh miền núi, giai đoạn 2021 – 2025, Lào Cai sẽ xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, mang thương hiệu riêng hứa hẹn mang đến cho du khách trải nghiệm mới.