Nhiều du khách chọn Y Tý làm điểm đến. |
Từ thành phố Lào Cai ngược theo dòng chảy của sông Hồng theo hướng Tây Bắc khoảng hơn 30 km, du khách sẽ chạm chân đến mảnh đất biên giới Trịnh Tường, nơi có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn – một trong tứ vị Thánh Mẫu cai quản các vùng khác nhau của nước Việt. Ngôi đền tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Hồng, sát ngay cột mốc biên giới 94(2). Đền Mẫu Trịnh Tường được Nhân dân địa phương xây dựng theo tín ngưỡng của người Việt từ nhiều đời nay. Đây được coi là cột mốc tâm linh khẳng định và đánh dấu chủ quyền biên cương phía Bắc Tổ quốc. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và bằng nguồn xã hội hóa, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo khang trang, bề thế, khuôn viên sạch đẹp, rộng rãi. Hàng năm, vào dịp 10/3 (âm lịch), UBND huyện Bát Xát lại tưng bừng tổ chức Lễ hội đền Mẫu, thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái.
Ngược lên A Mú Sung – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, du khách được chiêm ngưỡng Cột cờ Lũng Pô sừng sững, hiên ngang như người lính yêu nước kiên trung, nghiêm trang, vững chãi, ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Từ trên cột cờ nhìn xuống, dòng sông Hồng rực đỏ phù sa cuồn cuộn chảy về xuôi, mang sức sống của vùng núi cao tiếp ứng cho mùa vụ vùng đồng bằng thêm nặng hạt. Cột cờ Lũng Pô còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, giáo dục truyền thống và lòng yêu nước cho thế hệ trẻ và nay đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách. Anh Nguyễn Ngọc Cường – du khách người Hà Nội chia sẻ: “Lần đầu tiên được đứng trên đỉnh cao của cột cờ, ngắm nhìn đất nước mình, tôi cảm thấy rất thiêng liêng, cảm xúc khó tả, không nói nên lời…”.
Nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, Y Tý thơ mộng với khí hậu mát lành quanh năm và phong cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Với đỉnh núi Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn bốn mùa sương giăng, mây phủ cùng cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ trên các sườn núi, Y Tý có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Vào mùa đông nhiệt độ xuống thấp, Y Tý thường có hiện tượng băng tuyết xuất hiện. Những con đường quang co, những ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì và cả cánh rừng nguyên sinh phủ đầy tuyết trắng khiến vùng đất Y Tý như khoác lên mình chiếc áo đẹp lung linh, huyền ảo, lãng mạn như trời Âu, thu hút rất đông du khách khắp mọi miền Tổ quốc tìm đến tham quan.
Những năm gần đây, Y Tý đang trở thành điểm du lịch lý tưởng cho những người đam mê khám phá loại hình du lịch leo núi với đỉnh Lảo Thẩn cao 2.860 m và đỉnh Nhìu Cù San cao 2.965 m so với mực nước biển. Ngoài phong cảnh đẹp, Y Tý còn là mảnh đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các tộc người địa phương. Ông Ly Mờ Xe, người dân thôn Choản Thèn, xã Y Tý cho biết: “Người Hà Nhì ở Y Tý có rất nhiều lễ hội như Khu già già, Gạ ma o, Gà tho tho… Đây là nét văn hóa đặc trưng được người Hà Nhì gìn giữ qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn tiếp tục được bảo tồn”.
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, Bát Xát đã và đang cụ thể hóa bằng Đề án số 05 về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 – 2025”. Hiện tại, ngoài việc khai thác có hiệu quả những tiềm năng sẵn có, tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tạo điểm đến an toàn cho du khách, Bát Xát đang chú trọng khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận các tuyến, điểm du lịch mới trên địa bàn; đồng thời tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển các dịch vụ; tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng thu hút khách du lịch. Mặt dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng từ đầu năm đến nay, Bát Xát vẫn đón khoảng hơn 23 nghìn lượt khách du lịch… Đây là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch địa phương.