Những phụ nữ Mông ở làng cổ Cát Cát thêu thổ cẩm để bán cho khách du lịch
Có từ hàng trăm năm, ngôi làng cổ dưới chân núi Hoàng Liên đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của mảnh đất du lịch Sa Pa sau 120 năm được định danh trên bản đồ Việt Nam. Ngôi làng cổ ấy vẫn cứ yên bình bên mép núi, bên những dòng thác xinh đẹp và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa nói riêng và của cả miền Tây Bắc nói chung.
Bà con người Mông ở làng cổ Cát Cát trình diễn vẽ sáp ong truyền thống
Những năm qua, phát huy thế mảnh về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như nguồn tài nguyên từ kho tàng văn hóa bản địa, thị xã Sa Pa đã đưa vào thực hiện chương trình bảo tồn ngôi làng cổ và phát triển thành một trong những điểm du lịch trọng điểm của địa phương. Bên cạnh việc vào cuộc của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của cộng đồng người Mông ở làng cổ Cát Cát, sự chung tay của doanh nghiệp và các công ty lữ hành du lịch, Cát Cát trở thành một trong những ngôi làng du lịch thơ mộng ở Tây Bắc, rất nhiều du khách tìm đến thưởng ngoạn và trải nghiệm.
Cùng với vẻ đẹp của cảnh quan, cây xanh và thiên nhiên, ngôi làng cổ Cát Cát đặc biệt thu hút khách du lịch bởi nét độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc của bà con người Mông nơi đây. Rất nhiều du khách thích thú khi thư thái bách bộ trong ngôi làng, bước trên từng bậc đá, ngắm nhìn những cối giã gạo bằng nước, xem bà con người Mông se lanh, dệt vải bông, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thêu thổ cẩm, rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc thủ công truyền thống… Cứ thế, những trải nghiệm mới mẻ đậm bản sắc văn hóa vùng cao đã lôi cuốn du khách, đem đến những cảm xúc thú vị khi du ngoạn ngôi làng cổ này.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Cát Cát cho biết: Chúng tôi gần như bảo tồn nguyên vẹn hiện trạng của dòng suối Mường Hoa, cải tạo cảnh quan hai bên bờ suối, phối hợp cùng với người dân bản địa sinh sống trong làng cổ phát huy những giá trị bản sắc văn hóa, để phục vụ khách du lịch đến tham quan làng cổ Cát Cát.
Cùng với những cánh đồng hoa theo mùa, hệ thống cọn nước và những khu trình diễn cuộc sống thường nhật của đồng bào Mông Sa Pa, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Cát Cát đã đưa những phụ nữ Mông có tay nghề dệt vải, thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong hình thành riêng một khu trình diễn nghề truyền thống để thực hành tại chỗ, cho khách du lịch trải nghiệm, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho bà con trong làng.
Nhạc sỹ Ngô Hồng Quang dàn dựng màn chơi nhạc cụ cho người Mông ở Cát Cát
Đặc biệt, mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Cát Cát đã phối hợp mời nhạc sỹ, nhạc công Ngô Hồng Quang cùng với nghệ nhân dân gian – ông Giàng Seo Gà – dân tộc Mông – người am hiểu về văn hóa dân tộc Mông của Sa Pa đến để truyền dạy hát dân ca cũng như sáng tạo, dàn dựng chương trình nghệ thuật đặc sắc, kết hợp giữa âm nhạc dân gian và đương đại. Dự định, trong thời gian tới sẽ ra mắt các show diễn thực cảnh về văn hóa dân tộc Mông ngay tại ngôi làng cổ Cát Cát này, biểu diễn thường xuyên cho khách du lịch đến tham quan, diễn viên chính là người dân bản địa của ngôi làng.
Trình diễn cuộc sống thường nhật của người Mông ở Cát Cát
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Trong hành trình du lịch 120 năm Sa Pa, thì ngôi làng cổ Cát Cát đang được cấp ủy, chính quyền Sa Pa đặc biệt coi trọng công tác bảo tồn văn hóa để phát triển du lịch với mong muốn biến di sản thành tài sản. Cùng với một số ngôi làng đặc sắc văn hóa bản địa các dân tộc đặc trưng của Sa Pa như Ý Lình Hồ (xã Tả Van), Tả Van Dao (xã Tả Phìn)… ngôi làng cổ Cát Cát (xã Hoàng Liên) sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc của Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa.
Ngôi làng cổ hôm nay đang mang một gam màu mới trong bức tranh tổng thể về những nét độc đáo đời sống, văn hóa mà cả chính quyền, doanh nghiệp lữ hành du lịch và cộng đồng người Mông ở Cát Cát đang chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của nó trong đời sống đương đại đang là hướng đi đúng, mang tính bền vững cho phát triển du lịch Sa Pa trong tương lai.