Hiện nay, Nghĩa Đô có hơn 98% hộ sống dưới nếp nhà sàn, có 17 hộ sử dụng chính ngôi nhà truyền thống làm homestay đón khách. Trong năm 2022, xã Nghĩa Đô đón hơn 14 nghìn lượt du khách.
Được biết, từ đầu thế kỷ thứ XV, có 3 anh em người Tày từ Mướng Giáng (Hà Giang ngày nay) do loạn lạc, khó khăn, nghèo đói, rủ nhau đi theo hướng mặt trời lặn để tìm đất mới sinh cơ lập nghiệp. Hơn một tháng sau, họ tìm thấy một thung lũng bằng phẳng, tiến sâu vào trong có khu rừng bạt ngàn cây cổ thụ.
Dưới tán cây rừng là những cánh đồng, ao hồ, nền nhà… dấu tích còn lại của cư dân cổ. Họ thấy đây là miền đất lành, màu mỡ nên quyết định phân vùng cùng nhau lập nghiệp. Người anh cả tên là Hoàng, ở thượng nguồn, chính là khu Bản Đon, Pác Bó hiện nay. Người anh thứ hai tên là Lương, ở quả đồi bằng phẳng giữa vùng, ngày nay là khu Pú Phi, bản Thâm Mạ. Người em út tên là Cổ, ở khu đất cánh đồng cổ, ngày nay là bản Pồng Phấn, Thâm Luông. Ba gia đình sinh cơ, lập nghiệp tạo thành 3 bản. Họ đi ra các bản Tày – Nùng trong vùng kết nghĩa anh em, tìm vợ, gả chồng cho con cháu và bản được mở rộng dần.
Cứ như thế trải qua nhiều thế kỷ sinh sống và phát triển, các mảnh đất bằng phẳng trong thung lũng được khai khẩn, lập thêm nhiều bản làng, thôn xóm. Các bậc cai quản địa phương tập hợp các khu dân cư lại lập nên mường, rồi mường lớn hơn, mở rộng thêm nhiều khu dân cư đến tận chân núi tạo thành mường rộng lớn, đặt tên là Mường Quảng, sau đó người Tày gốc vùng này gọi là Mường Luông (nghĩa là bản rộng lớn).
Địa danh Mường Luông hình thành vào đầu thế kỷ thứ XVII, kéo dài đến cuối thế kỷ thứ XVIII thì bị mất do cuộc nổi loạn giặc cờ trắng của người Mán tẻn ở Roòng Dạng (thuộc Bản Cái, Bắc Hà ngày nay). Khi chiếm được Mường Luông, chúng bắt phải xóa bỏ tên thành Bản Khuông, sau vài năm đặt tên là Mường Khuông.
Với mong muốn tìm kiếm thánh hiền phù hộ cho bách tính an cư lạc nghiệp, mùa màng bội thu, Mường Khuông cho người dân chia làm 3 tốp đi đến nhiều nơi tìm kiếm và xin thánh hiền về thờ. Sau một thời gian tìm kiếm, cuối cùng Mường Khuông thống nhất cử người lên bản Trung Đô của người Tày Mường Bảo Nhai để xin một nhánh đức Chúa trên đền Trung Đô về thờ. Sau khi bản Trung Đô đồng ý, năm 1850, Mường Khuông tổ chức ngày tế đền và chính thức nhận một nhánh đền về thờ, đặt tên là đền Nghĩa Đô, Mường Khuông đổi tên thành Mường Nghĩa Đô, địa danh mang tên đó cho đến ngày nay.
Dân tộc Tày ở vùng Nghĩa Đô đã cùng nhau đi qua những thăng trầm, biến thiên của lịch sử để gìn giữ khối đoàn kết, keo sơn cho đến tận ngày nay. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn và chinh phục thiên nhiên ấy, những người con nơi đây đã tạo ra nhiều phong tục, tập quán mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tày nói chung và của tuyến đệm văn hóa Tày giữa Đông Bắc và Tây Bắc nói riêng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam. Ngày nay, bằng vốn văn hóa cổ truyền, đồng bào Tày đã bắt tay vào làm du lịch cộng đồng để cuộc sống nơi đây “thay da đổi thịt”.
Không tấp nập du khách, không ồn ào, xô bồ, không có cả những điểm check-in hiện đại, du lịch Nghĩa Đô hình thành và đang dần thu hút du khách bởi chính sự yên bình và bề dày giá trị văn hóa vốn có của đồng bào Tày.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng tại đây đã góp phần mang lại sinh kế cho nông dân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Những ngôi nhà cổ cha ông để lại, những người con kế tiếp đã biết phát huy giá trị từ những ngôi nhà cổ ấy để làm du lịch. Điều này đã biến những nông dân “chân lấm tay bùn” thành những hướng dẫn viên du lịch, vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa vừa tăng thu nhập cho người dân mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc riêng của mình.
Du lịch Nghĩa Đô được xây dựng có chiều sâu với việc lấy văn hóa bản địa làm nền tảng cốt lõi, người dân trực tiếp làm du lịch. Địa phương đã tiến hành bảo tồn và phục dựng các trò chơi dân gian, nghi lễ Then, hát Then và các nghề đan lát, nghề dệt truyền thống. Đồng thời, khuyến khích người dân chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc, góp phần quảng bá nét đẹp Nghĩa Đô tới du khách và tăng thu nhập cho người dân.
PV