“Chuyển đổi số bản chất của nó không phải là một công việc mới mà là một cách làm mới để giải quyết các công việc đang diễn ra hàng ngày. Quan điểm của tỉnh Lào Cai là lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi số, chuyển đổi số là để giải quyết các vấn đề của xã hội để cho chúng ta có một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”, đó là nhấn mạnh của ông Vũ Hùng Dũng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai về công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai.
Lấy chuyển đổi số là động lực để phát triển
Tại Lào Cai, Chuyển đổi số đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và toàn diện, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ –TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Đề án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025 (Đề án số 08). Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022). UBND tỉnh ban hành Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; ban hành Chương trình hành động về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là những văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh Lào Cai cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; Phó Trưởng ban là các đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy; thành viên là các đồng chí trưởng một số Ban khối Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Thủ trưởng một số sở, ngành trọng điểm về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, tại tỉnh Lào Cai đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Những thành quả bước đầu
Nhằm góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, lần đầu tiên, tỉnh Lào Cai phát động phong trào thi đua về chuyển đổi số. Trong đó, ưu tiên phong trào thi đua chuyển đổi số ở một số lĩnh vực như cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; nông nghiệp; thương mại; du lịch; tài chính – ngân hàng; giao thông vận tải và logistics; tài nguyên và môi trường; y tế; giáo dục và đào tạo; quốc phòng, an ninh…
Đến nay, Lào Cai đã thực hiện việc kết nối liên thông văn bản điện tử trong và ngoài tỉnh, ký số văn bản 4 cấp hành chính. Tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 1.761/1.966 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 89,5%. Đã triển khai tích hợp 1.303/1.761 (đạt 74%) dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tiếp 86.320 hồ sơ đạt 55%; Tổng số hồ sơ thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 tiếp nhận trực tuyến 70.576 hồ sơ, đạt 45%.
Đồng thời đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Duy trì ứng dụng Zalo trong xây dựng Chính quyền điện tử, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; App công dân (Công dân số Lào Cai); App du lịch thông minh trên nền tảng thiết bị di động thông minh; hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe bệnh nhân COVID-19 tại nhà, … phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khai thác, tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục hành chính.
Triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) đặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh giúp cho tỉnh giám sát, điều hành, điều phối, thống kê, báo cáo, hỗ trợ ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành, quản lý xã hội. Đồng thời lựa chọn UBND thị xã Sa Pa, UBND thành phố Lào Cai là các đơn vị điểm triển khai các phân hệ (OC) của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC).
Đối với 03 lĩnh vực được ưu tiên triển khai chuyển đối số từ rất sớm là y tế, du lịch, giáo dục đã thu được những kết quả nhất định. Nếu như trước kia, giáo viên đã thành thục việc soạn, trình bày giáo án điện tử thì nay đã bước sang giai đoạn dạy trực tuyến. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm ứng phó với tình trạng khan hiếm nhân sự như hiện nay. Việc quản lý học sinh thông qua các phần mềm ứng dụng cũng giúp thầy cô giáo và nhà trường quản lý và đánh giá học sinh được cụ thể, sát thực tế hơn.
Đối với du lịch, tỉnh Lào Cai đã sở hữu bộ 3 sản phẩm du lịch thông minh gồm, Cổng thông tin du lịch thông minh; ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh (App) và phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến đã phần nào khẳng định sự tích cực của Lào Cai trong chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh.
Với những nỗ lực đó, các mục tiêu về chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai đã ghi được dấu ấn nhất định, cụ thể: Về phát triển hạ tầng số, đến nay, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh của Lào Cai đạt 51,4%; Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%.
Đối với phát triển chính phủ số và phát triển kinh tế số và xã hội số, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 45%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 43,73%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tửđ ạt 99%; Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 75%…
Tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp
Những thành quả đạt được trong công cuộc chuyển đổi số là rất tích cực nhưng tỉnh Lào Cai cũng xác định, đó mới chỉ mang tính bước đầu, tỉnh sẽ phải tiếp tục nỗ lực để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh Lào Cai thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu của vùng trung du, miền núi phía Bắc; tỉnh Lào Cai nằm trong danh sách 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số; 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT-Index); 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh,…
Thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung hoàn thiện các nền tảng, giải pháp ứng dụng mang tính tổng thể nhằm hình thành chính quyền số gắn kết với phát triển kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sẽ được xây dựng đảm bảo tính kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, có tương tác giữa chính quyền với người dân trên nhiều phương thức. Bên cạnh đó, Lào Cai xác định triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững…
Công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai còn rất nhiều việc phải làm, song nó không hề là công việc quá phức tạp, như chia sẻ của ông Vũ Hùng Dũng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lào Cai: “Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại. Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng cao, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp”.
Sự vào cuộc, đồng lòng của các cấp, các ngành và sự tham gia tích cực của người dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần vào việc phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa Lào Cai vươn lên trở thành tỉnh phát triển của khu vực Tây bắc, và trên hết là mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân vùng đất này.
Đức Toàn