Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, trải qua 2 năm gần như đóng băng vì đại dịch COVID-19, phần lớn nguồn nhân lực du lịch đã chuyển nghề, không ít người tìm được nghề nghiệp khác thích hợp và không có ý định quay về với nghề cũ. Do đó, sau khi ngành du lịch mở cửa trở lại, khó khăn lớn nhất chính là vấn đề thiếu hụt, khan hiếm và chuyển dịch lao động, nhất là các nhân lực chất lượng cao như vị trí quản lý, điều hành, hướng dẫn viên du lịch.
Mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai đón 10 triệu lượt khách, tạo ra 44.000 việc làm cho người lao động (22.000 lao động trực tiếp và 22.000 lao động gián tiếp).
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng về phát triển nguồn nhân lực du lịch của Lào Cai giai đoạn 2016 – 2019 đạt tới 42,2%/năm. Nếu năm 2016 số lượng lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Lào Cai là 9.100 người trong đó có 3.500 lao động trực tiếp, thì đến năm 2019, con số đó đã là 32.000, chiếm tới 6,9% số lao động trong độ tuổi của toàn tỉnh với 14.500 lao động trực tiếp, 17.500 lao động gián tiếp. Sau khi xảy ra dịch Covid – 19, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch giảm mạnh, đến năm 2022 số lao động trong lĩnh vực du lịch giảm gần 60% so với năm 2019 (trong đó: 8.500 lao động trực tiếp và 4.500 lao động gián tiếp), tuy nhiên so với mục tiêu đề ra theo Đề án số 03-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển văn hoá, du lịch tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 – 2025 là 29.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó lao động trực tiếp là 12.000 lao động, lao động gián tiếp là 17.000 lao động) cho thấy số lao động tăng nhưng không đáng kể, tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực du lịch hiện nay là rất lớn.
Nhân lực du lịch ở Lào Cai tuy có tăng về số lượng, được đào tạo đúng chuyên môn, tuy nhiên nghiệp vụ còn thấp, hiệu quả lao động, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý tình huống, chăm sóc khách hàng, trình độ ngoại ngữ chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cụ thể, đối với lĩnh vực hướng dẫn viên, hiện nay toàn tỉnh có 185 hướng dẫn du lịch đang hoạt động (trong đó có 104 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 67 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 14 hướng dẫn viên tại điểm). Số lượng hướng dẫn viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành hướng dẫn chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại chỉ qua đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn. Nhiều hướng dẫn viên chỉ ký hợp đồng tour lẻ khi rảnh rỗi và coi đây là công việc làm thêm nên chất lượng công việc không cao.
Hướng dẫn viên tại các điểm du lịch cộng đồng huyện Bắc Hà.
Nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, nhất là chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế (với 23,7% có trình độ sơ cấp – trung cấp, 21,2% có trình độ cao đẳng – đại học, còn lại là lao động phổ thông, thiếu lao động có trình độ trên đại học); sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực du lịch do có sự chuyển dịch lớn lao động ra khỏi ngành du lịch sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19; nghề du lịch trở nên thiếu sức hấp dẫn đối với nhu cầu học và đào tạo nghề do mặt bằng thu nhập không cao, nhiều rủi ro,… Đây là thách thức lớn đối với sự nghiệp phát triển du lịch của tỉnh, để đảm bảo sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 tạo ra khoảng 50.000 – 55.000 lao động trong lĩnh vực du lịch (trong đó 30.000 lao động trực tiếp, 25.000 lao động gián tiếp); đến năm 2025 phấn đấu trên 58% lao động trong lĩnh vực du lịch tại Lào Cai được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn và chuyên môn sâu về du lịch; ngành Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp quan trọng để phát triển du lịch, trong đó, có các giải pháp trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực du lịch như: Ưu tiên nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ về công tác tại tỉnh Lào Cai.
Xây dựng và triển khai Tổ chức đào tạo kỹ năng nghề du lịch theo chương trình hợp tác với vùng Nouvelle Aquitaine (Cộng hòa Pháp) và Bộ tiêu chuẩn năng lực chung trong ASEAN về nghề Du lịch, chương trình du lịch chung ASEAN (CATC) theo thoả thuận nghề du lịch giữa các nước ASEAN (MRA-TP).
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch và tăng cường hoạt động đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của chính doanh nghiệp mình.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt của phụ nữ và người dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch, dần tiến tới xã hội hóa phát triển nguồn nhân lực phổ thông tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo du lịch, hướng tới việc áp dụng các tiêu chuẩn năng lực nghề du lịch quốc gia và khu vực, đảm bảo yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ lao động du lịch cho phát triển du lịch Lào Cai trong giai đoạn mới./.