Tháng 9, hầu hết các địa phương có đồng bào Tày sinh sống tổ chức ăn mừng mùa cốm mới. Tận dụng nét văn hóa đó, huyện Bắc Hà phát triển thành lễ hội, tạo thuận lợi để du khách có cơ hội trải nghiệm, khám phá văn hóa, cuộc sống của người dân bản địa và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Tày. Tuy nhiên, du khách cũng có thể tham gia lễ hội này ở xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai), xã Mường Vi, xã Quang Kim (huyện Bát Xát) hoặc xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên).
Tham gia Lễ hội “Hương cốm cao nguyên trắng” vừa tổ chức tại Bắc Hà, chị Nguyễn Hương Ly, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Lễ hội cốm của đồng bào vùng cao khá náo nhiệt. Tuy nhiên, hôm trước tôi đã được trải nghiệm lễ hội tương tự ở địa phương khác của Lào Cai. Trên một cung đường di chuyển, tôi muốn khám phá những điều mới lạ hơn nhưng hoạt động na ná nhau như vậy thì thấy sức hút không còn nhiều.
Lễ hội cốm được tổ chức ở nhiều địa phương. |
Cũng tại Bắc Hà, những năm trước, khi nhắc đến trồng hoa theo mùa, du khách không xa lạ với thung lũng hoa Thải Giàng Phố. Địa điểm này do Công ty TNHH MTV Kinh doanh xuất – nhập khẩu Việt Tú đầu tư. Khi Bắc Hà tổ chức các lễ hội, thung lũng hoa nườm nượp khách. Tuy nhiên, trồng hoa theo mùa hiện đã trở thành xu hướng của nhiều điểm, cơ sở kinh doanh du lịch.
Chị Nguyễn Cẩm Tú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh xuất – nhập khẩu Việt Tú cho biết: Lượng khách đến thung lũng hoa ít hơn không chỉ bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mà một phần vì trồng hoa theo mùa không còn là điều mới, bởi có thể dễ dàng thấy ở nhiều cơ sở du lịch, homestay trên địa bàn tỉnh.
Hiện các địa phương đang xây dựng một số sản phẩm du lịch có sự tương đồng. Có thể kể đến lễ hội theo mùa có tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà và thị xã Sa Pa; chợ đêm tại Nghĩa Đô (Bảo Yên) và thị trấn Bắc Hà; giải thể thao khám phá các cung đường ở huyện Bắc Hà, huyện Bát Xát; chèo thuyền kayak, cắm trại tại Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa… Một số mô hình du lịch sinh thái, homestay với những sản phẩm “sao chép” nhau chưa toát lên được nét văn hóa riêng biệt.
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Lào Cai có 25 nhóm, ngành dân tộc, phân bố ở các địa phương, trong khi các sản phẩm du lịch lại được xây dựng trên nền tảng văn hóa của mỗi dân tộc. Sự tương đồng về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn là một trong những nguyên nhân dẫn đến các sản phẩm du lịch có sự trùng lặp, trở thành “rào cản” phát triển du lịch.
Khai thác lợi thế, đặc thù, cập nhật xu hướng, nhu cầu là điều không thể thiếu khi xây dựng sản phẩm, dịch vụ du lịch, nhưng muốn hiệu quả thì phải cạnh tranh bằng sự khác biệt hoặc liên kết để tạo ra sản phẩm du lịch bền vững.
|
Các địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng, mới lạ để thu hút du khách. Đối với Bắc Hà, hiện có một số sản phẩm du lịch trùng lặp với các địa phương khác như du lịch khám phá chợ phiên, du lịch cộng đồng, khám phá làng bản… Huyện xác định những sản phẩm không phải thế mạnh của địa phương thì mời nhà đầu tư, chuyên gia về du lịch tư vấn thay đổi sản phẩm để có sức hút với khách du lịch. Bắc Hà đang tập trung vào những sản phẩm có sự khác biệt như quần thể gỗ nghiến ở xã Cốc Ly, chè cổ thụ ở xã Hoàng Thu Phố…
|
Là điểm du lịch mới, tuy nhiên du lịch xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) đang được nhiều người quan tâm. Việc lựa chọn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, di sản của đồng bào dân tộc Tày đã tạo sức hút cho du lịch Nghĩa Đô và cho cả Bảo Yên. Theo ông Lý Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô, việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên như cánh đồng lúa, thác nước và bảo tồn nét đặc trưng của văn hóa bản địa từ trang phục đến tiếng nói, ẩm thực là những điều tạo nên dấu ấn của Nghĩa Đô, khó lẫn với nơi khác.
|
Du lịch thể thao đang là một trong những thế mạnh khi nhắc đến du lịch Bát Xát. |
Tại Bát Xát, huyện nghiên cứu để làm nổi bật những nét đặc trưng và thế mạnh riêng. Huyện định hướng và tập trung phát triển thương hiệu, công cụ nhận diện thương hiệu Lễ hội mùa thu với chủ đề “Y Tý – sức hút đại ngàn”; quần thể ruộng bậc thang ở thung lũng Thề Pả; gắn các sản phẩm đặc trưng với văn hóa truyền thống dân tộc để tạo nên sự tương tác giữa lợi thế tự nhiên và lợi thế nhân văn (như Lễ hội lê Tai nung cùng với Lễ hội Khu già già của người Hà Nhì; du lịch cộng đồng gắn với nơi cội nguồn của người Hà Nhì tại thôn Choản Thèn, thôn Lao Chải…).
Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Sở đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch sản phẩm du lịch tại mỗi địa bàn. Từ quy hoạch, các địa phương liên kết chuỗi hoạt động dựa trên hạ tầng và bản sắc văn hóa để chung tay tạo ra những sản phẩm mang bản sắc của địa phương mình nhưng vẫn có tính tổng thể, đưa du lịch Lào Cai ngày càng hấp dẫn và phát triển. |
Để có những sản phẩm du lịch đặc sắc và không trùng lặp, mỗi địa phương cần chủ động lựa chọn những nét văn hóa tinh túy nhất, phù hợp với những tiềm năng sẵn có của địa phương. Trong điều kiện chưa thể xây dựng được những sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng thì việc liên kết tour, tuyến sẽ làm nên sức hút mạnh hơn, tạo thêm cho du khách nhiều không gian trải nghiệm. Lào Cai hiện đã quy hoạch xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng trên các địa bàn trọng điểm. Vùng Tây Bắc của tỉnh gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát, trong đó trung tâm là thành phố Lào Cai với các sản phẩm đặc trưng như nghỉ dưỡng, trải nghiệm thiên nhiên, cộng đồng, sinh thái và thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch MICE, mua sắm, tâm linh, nông nghiệp và du lịch hoa. Vùng Đông Bắc gồm các huyện: Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai, trong đó trung tâm là thị trấn Bắc Hà với các sản phẩm đặc trưng như văn hóa cộng đồng, trọng tâm là chợ phiên, du lịch thể thao mạo hiểm; sản phẩm chính gồm du lịch cộng đồng, trải nghiệm cảnh quan và du lịch nông nghiệp. Vùng phía Nam gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng, trong đó trung tâm là xã Bảo Hà với các sản phẩm đặc trưng là du lịch tâm linh; sản phẩm chính gồm du lịch trải nghiệm cảnh quan và du lịch thể thao…