Điệu múa ngựa thường được học sinh Trường Tiểu học và THCS Tung Chung Phố biểu diễn trong các ngày lễ. |
Trước kia, người Nùng Dín chỉ múa ngựa giấy trong đám hiếu, thể hiện sự biết ơn của người đang sống với người đã mất. Sau đó, ngựa được dâng trong đám hiếu để người sang thế giới bên kia có phương tiện đi lại. Bài biểu diễn đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Hai người biểu diễn đứng trong hai vòng tròn được uốn bằng tre, trước vòng tròn trang trí giấy màu hình đầu ngựa tượng trưng cho ngựa cái (màu hồng), ngựa đực (màu xanh). Hai người múa đối diện nhau chụm đầu ngựa tựa như hai chú ngựa đang “tán tỉnh”, rồi cùng nhau tung tăng, nhởn nhơ gặm cỏ. Động tác tay và chân phối hợp nhịp nhàng, lúc chậm rãi, khoan thai, lúc lại tươi vui, có khi thể hiện sự dữ dằn, khiêu chiến… Tay hai người múa đưa lên đưa xuống nhịp nhàng khiến chiếc chuông ngựa rung lên tạo thành âm thanh rộn ràng như tiếng vó ngựa phi.
Mỗi bài múa có hồn vừa phải kết hợp được bước chân uyển chuyển, động tác tay dứt khoát, nét mặt đầy cảm xúc. Muốn vậy, người biểu diễn phải tập luyện thường xuyên và hiểu được nội dung của bài múa. Được biết, xã Tung Chung Phố vẫn còn lưu giữ nét văn hóa đặc sắc này. Xã không chỉ lưu giữ nghề làm ngựa giấy mà còn thành lập được câu lạc bộ múa ngựa giấy và đưa bộ môn nghệ thuật này vào trường học, dạy cho học sinh với mục đích bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Ngày nay, điệu múa ngựa giấy còn được biểu diễn trong những dịp vui, như ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, lễ hội, tết cổ truyền và trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của đồng bào Nùng Dín ở Mường Khương.