Đền Cô là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. |
Nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn
Cũng như nhiều di tích lịch sử văn hóa, đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về vị thần được thờ trong đền Cô. Có ý kiến cho rằng, đây là nơi thờ tự con gái danh tướng Hoàng Bảy, nhưng cũng có dị bản khác rằng, đền Cô là nơi thờ Cô bé Thượng Ngàn. Đây là một tiên cô nổi tiếng về ngự trong các giá hầu cô. Tuy nhiên, những dị khảo hay ý kiến khác nhau về vị thần được thờ trong đền đã được chứng minh, làm rõ khi Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh sưu tầm, tìm lại được bản sắc phong. Theo đó, triều Nguyễn, niên hiệu Khải Định thứ 9 đã ban sắc phong cho đền Cô là nơi thờ phụng Công chúa Thượng Ngàn. Từ bản sắc phong có thể xác định đền Cô chính là nơi thờ Công chúa Thượng Ngàn hay còn gọi là Mẫu Thượng Ngàn, là 1 trong 3 vị mẫu trên cung thờ Tam tòa Thánh mẫu của hầu hết các ngôi đền khu vực phía Bắc nước ta. Bản sắc phong của triều Nguyễn như một sự minh chứng khẳng định tầm quan trọng của việc thời Mẫu Thượng Ngàn nơi biên ải.
Lễ hội đền Cô hằng năm diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn. |
Là thủ nhang thâm niên đã lâu tại đền Cô, ông Phạm Văn Chiến cho biết: Đến nay chưa có tài liệu nào nói đến lịch sử xây dựng đền, nhưng những gì còn lại cho thấy đền Cô có từ rất lâu đời. Tương truyền, xưa kia khu vực Tân An có một dãy phố gọi là Phố Cũ, nơi đó đông đúc cư dân, bên cạnh bờ sông Hồng (vị trí ngôi đền ngày nay) có một ngôi miếu nằm cạnh cây trâm vối và cây gạo cổ thụ gọi là miếu Cô, đối diện bên kia sông Hồng (đền Bảo Hà ngày nay) cũng có một miếu gọi là miếu Cậu. Vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, Nhân dân khắp trong vùng Khau bản (khu vực Bảo Hà, Tân An ngày nay) lại đến dâng lễ tại 2 ngôi miếu này. Người dân cho rằng, 2 ngôi miếu này rất linh thiêng, cầu gì được nấy. Về sau do chiến tranh, 2 ngôi miếu đã bị tháo dỡ một phần. Năm 1971, một trận lũ lớn xảy ra, nước sông dâng cao, cuốn trôi cả ngôi đền (cột gỗ, lợp lá, nhưng nền cũ của đền không bị sạt lở mà hiện nay vẫn còn). Những năm tháng sau đó, Nhân dân vùng Bảo Hà, Tân An cùng với Nhân dân cả nước dốc sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam nên việc thờ cúng không mấy ai để ý. Sau này khi nghiên cứu qua sử liệu, qua các hiện vật khai quật được tại Bảo Hà và Tân An cho thấy, đây thực chất là 2 đền thờ Mẫu Thượng Ngàn ở Tân An và Quan Hoàng Bảy ở Bảo Hà.
Lễ hội đền Cô thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách. |
Bảo tồn và tôn tạo di tích
Với những giá trị độc đáo cả về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của ngôi đền, tháng 10/2016, đền Cô, xã Tân An được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, Lễ hội đền Cô diễn ra vào ngày 17 tháng Giêng thu hút hàng ngàn người dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Nghi thức tế ở đền được tổ chức quy mô, trang trọng theo nghi thức lễ tế Mẫu Thượng Ngàn. Đây là dịp để người dân và du khách dâng hương lên Công chúa Thượng Ngàn – Bà chúa Mẫu cai quản núi rừng nơi biên ải và các thần, thánh thờ trong đền. Lễ hội đền Cô cũng là hoạt động gắn kết chặt chẽ giữa 2 di tích đền Bảo Hà và đền Cô ở 2 bờ sông Hồng. Ngoài phần lễ, đền Cô còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thu hút du khách.
Ngoài những ngày lễ, mỗi ngày đền Cô thu hút khoảng 300 – 400 lượt khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Nơi này không chỉ là điểm đến tâm linh, mà còn là nơi lưu giữ các nét văn hóa dân tộc, điểm du lịch tâm linh cùng tuyến kết nối với các đền Bảo Hà (Bảo Yên), đền Chiềng Ken (xã Chiềng Ken, Văn Bàn)…
Ông Phí Công Hoan, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết: Thời gian tới, Văn Bàn sẽ thành lập Ban Quản lý di tích cấp huyện. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng bộ máy đảm bảo quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả các di tích lịch sử mang yếu tố văn hóa và tâm linh. Theo đó, đền Cô sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương.