Tranh thủ lúc nông nhàn, người Dao đỏ cùng nhau thêu thổ cẩm để làm các sản phẩm như túi đeo, đệm ngồi. |
Thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng có gần 100% là người Dao đỏ. Nhiều nét đẹp văn hóa được người dân nơi đây giữ gìn, bảo tồn và phát huy, trong đó thêu thổ cẩm, may quần áo cho bản thân và gia đình vẫn được phụ nữ người Dao đỏ nơi đây duy trì, giữ gìn.
Hằng năm, từ tháng 9 âm lịch đến cuối năm, khi việc đồng ruộng đã nhàn rỗi, phụ nữ người Dao đỏ cùng nhau đem vải đã nhuộm chàm ra thêu. Bà Tẩn Tả Mẩy, thôn Dền Sáng cho biết: Phụ nữ người Dao đỏ ở đây thường biết thêu từ nhỏ. Từ 8 – 10 tuổi, trẻ em gái người Dao đỏ được các bà, các mẹ dạy may, thêu thổ cẩm và tìm hiểu về bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
“Chúng tôi tranh thủ những lúc rảnh rỗi thêu sẵn từng miếng thổ cẩm, sau đó may trang phục, kịp Tết có quần áo mới mặc đi chơi. Chúng tôi còn dùng miếng thổ cẩm để may túi đeo, mặt chăn, đệm ngồi…”, chị Lý Tả Mẩy, thôn Ngải Trồ, xã Dền Sáng cho biết.
Hình ảnh phụ nữ ngồi thêu thổ cẩm tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách.
Đến các bản người Dao, xã Dền Sáng (Bát Xát), dễ dàng gặp hình ảnh những phụ nữ ngồi khâu, thêu. |
Bộ quần áo của người Dao đỏ được chắp nối, ghép lại từ nhiều tấm thổ cẩm làm điểm nhấn. Hầu hết mẫu thêu được người xưa truyền dạy. Ngày nay, chị em muốn sáng tạo thì có chút thay đổi, nhưng cơ bản vẫn là những hoa văn truyền thống với sắc đỏ chủ đạo trên nền vải nhuộm chàm đen…
May áo mới. Ảnh Đoàn Hải Uyên (Bảo Thắng) |
Xã Dền Sáng là một trong những điểm đến trên hành trình du lịch trải nghiệm vùng cao của du khách khi tới Bát Xát. Hình ảnh phụ nữ người Dao đỏ ngồi khâu, thêu ngay hiên nhà, bên đường… với nhiều màu sắc sặc sỡ luôn thu hút sự chú ý của du khách khi tới với vùng đất này. Sẽ tuyệt vời hơn nếu địa phương xây dựng được một không gian trưng bày các sản phẩm thổ cẩm của người dân để du khách được trải nghiệm nét đẹp văn hóa này.