Với quan niệm núi rừng là linh hồn của vạn vật, bảo vệ, che chở con người tồn tại và phát triển nên hằng năm, người Phù Lá ở thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn lại tổ chức lễ cúng rừng. Lễ cúng thường được tổ chức ở khu vực rừng tự nhiên, rừng thiêng gần bản – nơi có nhiều cây gỗ lớn, gần nguồn nước và thuận tiện tiến hành các nghi lễ.
Đồ cúng tế trong lễ cúng rừng là những sản vật do người dân địa phương tăng gia sản xuất và được chuẩn bị chu đáo, gồm 1 con lợn đen, 1 con gà trống, rượu trắng và một số thực phẩm khác. Lễ cúng chia làm 2 giai đoạn: Cúng sống và cúng chín. Thầy cúng hành lễ có 1 thầy chính và 3 thầy phụ. Tại buổi lễ, thầy cúng thắp hương cử hành các nghi thức mời thần rừng về chứng kiến tấm lòng thành của dân bản, cầu mong thần rừng phù hộ cho họ một năm mới mưa thuận, gió hòa, mọi người có sức khỏe dồi dào, cửa nhà êm ấm, làm ăn phát đạt. Sau lễ cúng, các thầy cử hành lễ sẽ ở lại liên hoan ngay trong rừng.
Lễ cúng rừng của người Phù Lá xã Nậm Mòn. |
Chia sẻ với chúng tôi, ông Giàng Phà Pao ở thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn cho biết: Lễ cúng rừng của người Phù Lá thường bắt đầu từ khoảng 8 giờ đến 10 giờ, sau đó mọi người trong thôn nghỉ lao động, thường kéo dài từ 2 đến 4 ngày với luật tục kiêng kỵ rất khắt khe như không xâm phạm cây cối, không chặt phá rừng, không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến khu rừng…
Sau khi diễn ra lễ cúng rừng, các hộ trong thôn còn đóng góp mỗi hộ 150 nghìn đồng để cùng tổ chức một buổi liên hoan ngay cạnh bìa rừng. Qua sự kiện này, mọi người thấy được trọng trách của mình đối với công tác bảo vệ rừng, tăng tính liên kết trong cộng đồng. Trước khi buổi liên hoan bắt đầu, người dân trong thôn được tổ bảo vệ rừng, cán bộ xã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển rừng, quy định ngăn cấm các hành vi chặt phá rừng; khuyến khích, vận động bà con đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế hộ; giao ước bảo vệ, phát triển rừng và không vi phạm hương ước của bản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Phà Hòa, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng thôn Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn cho biết: Tổ bảo vệ rừng của thôn luôn phối hợp chặt chẽ với người dân trong thôn bảo vệ diện tích rừng hiện có, không để hiện tượng chặt phá rừng xảy ra, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra rừng, tuyên truyền và vận động người dân phát triển rừng…
Lễ cúng rừng của người Phù Lá mang giá trị giáo dục sâu sắc, không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc người, mà còn tạo tính liên kết bền chặt của cộng đồng, thể hiện sự tôn thờ các vị thần nước, thần rừng với ước nguyện của con người về cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.