Gia đình ông Lý Sài Siên ở thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành (Bát Xát) đã 4 đời làm kèn pí lè. Vừa hoàn thiện chiếc kèn, ông Siên vừa nói: Nghề làm kèn cũng nhiều công phu, để làm được một chiếc theo đúng truyền thống của người Dao đỏ thì phải mất 10 ngày. Làm một chiếc kèn có 4 công đoạn, bao gồm: Làm loa đầu kèn (tiếng Dao gọi là dặt hoi) mất khoảng 4 ngày. Loa kèn được chế tác bằng đồng thông qua việc gò, hàn, đánh bóng sao cho chiếc loa đẹp và có kích thước phù hợp. Ống kèn bằng gỗ (tiếng Dao gọi là dặt quen) được làm trong 2 ngày. Gỗ được lựa chọn làm ống kèn là lát rừng phơi khô vừa mềm, vừa dẻo dai, không được nứt để gọt, đẽo và dùi lỗ dẫn hơi chính và 7 lỗ thanh âm từ trầm đến bổng. Đây là bộ phận để thay đổi âm thanh cho cây kèn nên rất được coi trọng. Đầu thổi (tiếng Dao gọi là dặt trong) được chế tác bằng đồng lá, được gò, hàn, tạo hoa văn.
Ông Lý Sài Siên thử chiếc kèn mới hoàn thành. |
Công đoạn cuối cùng là phần tạo tiếng kêu của chiếc kèn (tiếng Dao gọi là sao). Sao được làm trong 1 ngày, phải điều chỉnh cho người sử dụng có thể thổi nhẹ nhàng, không mất nhiều sức mà kèn vẫn kêu theo ý muốn. Theo những người thợ làm kèn pí lè thì chế tác chiếc loa kèn là khó nhất. Loa được làm bằng đồng với rất nhiều công đoạn như gò, hàn và điều chỉnh kích thước chuẩn. Tất cả các công đoạn chế tác kèn đều được người thợ làm thủ công.
Khi nói về nghề làm kèn pí lè, ông Lý Sài Siên bảo: Nghề làm kèn quá nhiều công đoạn nên hiện nay không còn mấy người làm. Mọi người chỉ đi mua sẵn ở chợ loại làm bằng máy và tiện bằng gỗ, không giống sản phẩm truyền thống và rất nhanh hỏng. Chi phí để làm được một cây kèn truyền thống của người Dao đỏ khoảng hơn 1 triệu đồng.
Ông Chảo Láo Sì, Trưởng thôn Chu Cang Hồ cho biết: Hiện nay ở xã Tòng Sành chỉ còn ông Lý Sài Siên giữ nghề làm kèn truyền thống. Nhiều gia đình trong xã và ở các địa phương khác thường đến nhà ông Siên đặt làm.
Không chỉ là người giữ nghề làm kèn, ông Lý Sài Siên còn được người dân địa phương tôn vinh như một nghệ nhân, bởi ông giữ được nhiều bài kèn hay lưu truyền từ đời trước. Ông tâm sự: Nhìn cây kèn rất đơn giản, ai cũng có thể thổi được, nhưng không phải ai cũng thổi hay và bài bản. Tiếng kèn phát ra là bí quyết riêng của mỗi người trong kỹ thuật điều chỉnh sao (phần tạo tiếng kêu cho kèn) và sự nhanh nhẹn, hoạt bát của những ngón tay bấm thanh âm kèn.
Nói rồi, ông Siên cầm chiếc khèn vừa mới làm thổi cho chúng tôi nghe một đoạn. Tiếng kèn réo rắt vang vang giữa không gian núi rừng như đưa chúng tôi vào ngày hội xuân của người Dao đỏ.
Làm kèn và thổi kèn đem lại niềm vui cho ông Lý Sài Siên, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn của “nghệ nhân” này lại đang có nỗi niềm trăn trở. Ông Siên lo lắng một ngày nào đó sẽ không còn ai nối nghề và giữ nghề làm kèn pí lè truyền thống của người Dao đỏ. Ông muốn tìm người để truyền nghề, nhưng lớp trẻ bây giờ không quan tâm và dành thời gian học và làm kèn.
Chia tay chúng tôi khi trời chiều sắp tắt nắng, nhìn ông Siên với niềm lo âu về việc giữ nghề truyền thống, chúng tôi vẫn thấy trong ánh mắt ông sự hy vọng một ngày nào đó, nghề truyền thống này sẽ có người kế thừa.