Để làm an lòng cha mẹ, các con cháu trong gia đình nhờ thầy Then tìm chọn ngày tốt tổ chức nghi lễ Then Khoăn. Người Tày thường chọn ngày tam hợp (hợp với tuổi chủ nhà), chủ nhà tuổi Hợi thì chọn ngày Mão hoặc ngày Mùi để tổ chức. Đặc biệt, người Tày không tổ chức vào ngày con hổ, bởi theo quan niệm của người Tày, con hổ là chúa tể của muôn loài, là ngày xấu, tổ chức vào ngày này mọi thứ đều không thông, các vong, vía, linh hồn của muôn loài không thể về nhập đồng.
Thầy Then sử dụng dây mây làm vòng nối số kéo dài tuổi thọ, sức khỏe cho người được làm Then Khoăn (Cầu thọ). |
Thời gian tổ chức nghi lễ Then Khoăn kéo dài 1 ngày đêm, bắt đầu từ buổi chiều hôm trước và liên tục cho đến trưa hôm sau với nhiều nghi thức, hoạt cảnh khác nhau được diễn ra. Thầy Then chủ trì, phối hợp với 2 người phụ then và đội chèo thuyền, đội múa Thê hàu cùng người dân, khách về dự lễ.
Lễ vật, đạo cụ quan trọng nhất phải có 3 ngôi nhà Then, trong đó có 1 ngôi nhà Then 12 gian được làm bằng thân tre và cậng chuối. Phải có cây trúc, cây chuối vì người Tày cho rằng trúc trồng trước nhà, chuối trồng sau nhà đây là những cây dễ trồng, dễ sống, trúc thì nhiều đốt tượng trưng cho trường thọ, chuối thì cao lớn tượng trưng cho sức khỏe. Vì đây là lễ then cầu thọ nên gia chủ phải chuẩn bị nhiều lương thực, thóc lúa, lợn, gà, cá, vịt, bánh trái, hoa quả, mía, rượu, hương, giấy tiền vàng, vải vóc (vải mộc, vải hoa), con én, con ương, xôi màu, cá băm, vòng bạc, trầu cau… Đạo cụ còn có thêm thuyền gỗ, gậy chèo thuyền, túm lúa, chùm chuông nhạc, trống… Người Tày cắt giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng trang trí bên ngoài các rọ đựng lương thực, hồn vía của người được làm Then, màu sắc trông thật sặc sỡ, bắt mắt. Tất cả được bày trước tịch thờ (thầy Then treo vải đỏ ở gian ngoài cùng, giáp cầu thang lên xuống). Đặc biệt, có mâm vải dùng nối số, dây mây để kéo số (kéo tăng tuổi thọ cho người được làm Then). Có nhà Khoăn để dâng cho mẹ kỵ, mẹ hạn…
Thầy Then làm phép giao hồn, vía cho thân chủ làm then, người được làm then có thêm sức khỏe, sống thọ hơn. |
Diễn trình một lễ Then Khoăn gồm đầy đủ các bước: Thầy Then thắp hương xin phép bàn thờ tổ Then và thỉnh tổ Then về giúp thầy hành lễ trong suốt quá trình làm Then. Thầy Then đón rồng (đó là cây đàn tính tượng trưng), đón nhạc ngựa (chùm chuông nhạc tượng trưng là con ngựa) để vào đàn lễ Then. Sau đó, đoàn gồm 2 người đón thầy Then và 2 phụ Then cùng đi đến gia đình gia chủ để thực hành lễ Then Khoăn.
Khi đến nhà gia chủ, thầy Then bước vào nhà trước, đại diện gia đình ra ngoài cửa đón thầy. 2 người đón mang đồ nghề của thầy đặt vào phía trong nhà. Sau đó, người nhà bày nước mời thầy Then và các phụ Then uống nước, nghỉ ngơi. Phụ Then nam bảo người nhà gia chủ chuẩn bị một mâm gạo để sắp mâm lễ và mình thì lấy vải đỏ để treo lập đàn tịch lễ cho thầy Then hành lễ.
Các nàng hầu chuẩn bị nhà 12 gian để đón hồn, vía về cho thân chủ. |
Bắt đầu từ 15 giờ, mâm lễ cúng được chuẩn bị được đặt trước cửa tịch, phụ Then thắp hương cắm trên mâm rồi lấy đệm trải để thầy Then và 2 phụ Then ngồi. Thầy Then ngồi phía bên tay phải, phụ Then nam ngồi bên tay trái, phía sau là bà phụ Then ngồi. Thầy Then mặc trang phục áo dài đen có đai lưng, đầu đội khăn đen ngồi trước đàn lễ bắt đầu khấn. Đầu tiên thầy Then xin phép tổ tiên nhà gia chủ, trình báo lý do tổ chức lễ Then Khoăn cho gia chủ.
Sau đó, thầy Then mặc trang phục áo tướng (áo màu đỏ, đầu đội mũ pắc ka), tay cầm đàn tính khấn bài đón rồng (đó là cây đàn tính tượng trưng), đón nhạc ngựa (chùm chuông nhạc tượng trưng là con ngựa) để vào đàn lễ Then. Khi thầy Then hát, 2 người phụ Then cầm chùm xóc nhạc để khớp với tiếng đàn tính, lời. Thầy Then hát từng bài một, mỗi khi hát, thầy phải làm lễ nhập đồng để hát, thầy đón quân binh của thầy Then về bảo vệ và phụ giúp thầy khi đi vào cõi Mường Thiên; giao lễ vật dâng cho tổ tiên; giục quân, giục binh khiêng đồ lễ lên Mường Thiên, rồi thầy Then hát 16 bài (16 chương, đoạn)…
Vào lúc 21 giờ, 22 giờ, thầy Then và 2 phụ then tiếp tục thực hiện nghi lễ buổi tối. Thầy Then bắt đầu mặc áo đỏ, đội mũ pắc ka (mặc áo tướng), tay cầm chùm sóc nhạc bằng đồng tượng trưng là để đi ngựa. Thầy Then tiếp tục hành trình đi tìm đón vía, đón hồn về cho gia chủ. Thầy Then lại hát các bài để đưa dẫn đoàn đi xin vía chỗ mẹ Khoăn, gọi vía mẹ Khoăn, xin vía mẹ Khoăn về, đồ lễ lương thực, gạo, muối, thêm dầu, thêm nến, thêm lửa… mời mẹ Khoăn về ăn. Trong nghi lễ có thực hiện múa lên nhà Khoăn, gồm hơn 10 người, tay cầm chùm xóc nhạc, theo nhịp trống gõ để thực hiện động tác múa xòe lên nhà Khoăn…
Các nàng hầu đang thực hiện điệu múa hát chèo thuyền sang sông (Khảm Thông) đi đón hồn, vía về cho người được làm then khoăn. |
Khi đã tìm được hồn vía về cho thân chủ, thầy Then gọi tên người được làm Then vào ngồi trước tịch thờ, các con cháu giúp giữ chân tay để thầy Then làm phép cắt đẳng (cắt bỏ cái nghiệp không hay), dùng dây mây kéo thêm số, nối thêm tuổi để được sống thọ hơn. Các con cháu về dự lễ mang cho gia chủ thêm ít gạo, rượu, bánh trái, gà, vải vóc giao người được làm Then. Có làm như vậy, gia chủ sẽ bình an, con cháu vui vẻ, hạnh phúc.
Người được làm Then được thầy Then làm phép buộc vía vào cổ tay, những thành viên trong gia đình, con cháu đều được thầy Then buộc vào cổ tay một vòng chỉ để cầu mong sức khỏe, may mắn. Đến trưa hôm sau, vía đã về nhà rồi, hai người đàn ông, một bên họ nội và một bên họ ngoại giúp gia chủ buộc các Khoăn, các lương (ngũ cốc) lên trên xà nhà để giữ hồn giữ vía cho gia chủ.
Nghi lễ Then Khoăn là loại hình văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc đã và đang được bảo tồn và phát huy trong cộng đồng người Tày ở huyện Văn Bàn.