Người Hà Nhì vẫn giữ được tập quán canh tác ruộng bậc thang. |
Ở Lào Cai, cộng đồng dân tộc Hà Nhì sinh sống chủ yếu ở huyện Bát Xát. Cứ sau ngày Ngọ tháng 3 âm lịch (tức là lễ cúng rừng Mu Thu Do – địa điểm tại cuối thôn), các gia đình người Hà Nhì lại chuẩn bị thóc giống ngâm ủ nước cho hạt thóc nảy mầm rồi gieo trên ruộng mạ. Việc gieo mạ do bà chủ nhà đảm nhiệm, việc thực hiện các nghi thức cúng lễ cầu mùa do ông chủ nhà làm. Chọn ngày tốt để gieo mạ, ông chủ nhà chuẩn bị lễ vật mang theo ra cúng ngoài ruộng. Trước khi gieo, chủ nhà là con trai bày lễ vật mang theo lên lá chuối đã chuẩn bị từ trước đặt ở đầu bờ ruộng mạ. Khấn xong, ông chủ nhà cúi đầu lạy về hướng ruộng mạ với hàm ý tạ ơn thần linh. Lạy xong, ông bẻ một ít trứng, ít xôi, ít thịt vứt vào ruộng mạ với ý nghĩa mời thần linh thổ địa nhận phần ăn rồi phù hộ cho gia chủ. Sau đó, mọi người gieo thóc giống, vãi đều trên mặt ruộng đã được bừa phẳng. Người gieo đi vòng quanh luống mạ để vãi thóc giống đều tay.
Khi mạ đạt tiêu chuẩn, người Hà Nhì sẽ cấy lúa. Ngay sau khi cấy lúa xong, chủ ruộng chuẩn bị lễ vật là 1 đôi gà trống mái và nhổ lông cánh gà, 1 bát cơm, 1 bát rượu và chặt tre chẻ làm nan để làm đàn lễ ở đầu bờ ruộng, đồng thời chuẩn bị lấy cây lau. Đi cúng ruộng có 2 người là chủ nhà và con trai, chủ nhà bê mâm lễ, người con trai đi theo phụ giúp. Khi đến bờ ruộng, ông chủ ruộng lấy các thanh tre đã chẻ cắm xuống đầu bờ ruộng rồi xếp các nan ở trên đó, 4 góc cắm 4 ngọn cây lau rồi buộc túm ở giữa trên đàn lễ có ý nghĩa che chắn mâm lễ của thần đất, thần ruộng, đồng thời có ý nghĩa giữ hồn cây lúa, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Tùy theo dòng họ mà cách làm dàn lễ có sự khác nhau, nếu như dàn lễ nhà họ Phà làm đàn lễ dùng cây lau lá sắc cắm ở 4 góc dàn lễ thì họ Ly dùng giấy bản cắm cờ ở đàn lễ, nhưng đều có chung một nghĩa là dâng lễ cúng cầu thần ruộng phù hộ cho cây lúa phát triển.
Làm lễ cúng ruộng ngay tại ruộng lúa. |
Sau khi chủ ruộng dựng dàn lễ thì cắm lông gà và cắm cây lau xuống 4 góc lấy lễ vật đặt trên mặt đàn lễ, lấy cơm thịt và rượu đặt ở giữa đàn lễ rồi tiến hành lễ cúng ruộng. Ông này khấn: Hôm nay gia đình đã cấy lúa xong rồi, gia đình có thịt gà, cơm, rượu đem về cúng thần đất, thần ruộng, cầu mong thần đất, thần ruộng phù hộ cho ruộng lúa của gia đình họ Ly chúng tôi luôn được tươi tốt, không bị sâu bệnh phá hoại. Cầu mong thần linh che chở, phù hộ đảm bảo cho ruộng của nhà tôi thu được nhiều thóc, cất đầy sàn.
Khấn xong, ông chủ ruộng cúi lạy trước dàn lễ, sau đó đến lượt người con. Chờ một lúc, ông chủ ruộng đổ bát rượu, bỏ một ít cơm, ít thịt trên ruộng có ý nghĩa giao thịt, rượu cho thần ruộng cầu mong thần ruộng đảm bảo khu ruộng canh tác của gia đình tươi tốt.
Người Hà Nhì cho đến nay vẫn giữ gìn được tập quán canh tác ruộng bậc thang với đầy đủ các nghi thức liên quan, độc đáo là nghi lễ cúng gieo ruộng mạ và nghi lễ cúng ruộng, phản ánh sự tôn thờ thần tự nhiên, thần ruộng (nói cách khác là vị thần nông) được duy trì bao đời nay ở vùng cao huyện Bát Xát. Sau nghi thức kể trên, đến tháng sáu âm lịch hằng năm, người Hà Nhì tại các bản làng lại cùng nhau tổ chức vui lễ hội Khô già già (lễ hội cầu mùa) diễn ra tại rừng công viên cuối thôn với các nghi lễ dâng trâu tế thần và các trò chơi dân gian như đu quay, đu dây… nhằm cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người mạnh khỏe.