Vào tầm 25, 26 tháng Chạp, người Giáy ở các huyện: Mường Khương, Bát Xát, Bảo Yên lại bắt tay vào làm món bánh bỏng truyền thống chuẩn bị cho tiệc tất niên và những ngày Tết Nguyên đán. Đối với người Giáy, dù giàu hay nghèo, ngày tết có món bánh bỏng là vui, là đủ đầy.
Món bánh bỏng được làm rất kỳ công. |
Những công đoạn làm nên chiếc bánh bỏng không hề đơn giản. Các bà, các mẹ chọn loại gạo nếp ngon nhất, hạt tròn, đều rồi đem ngâm qua đêm cho gạo nở, sau đó, vớt ra, để ráo nước, trộn với nước mỡ và đem đồ chín thành xôi. Khi xôi nguội, người chế biến rắc bột lên, trộn đều để các hạt gạo tách rời nhau. Hạt nếp được ép mỏng dẹt rồi sắp lên những chiếc mẹt tre để phơi khô, gói cất cẩn thận. Khi làm bánh, xôi nếp được lấy ra, rang lên; những hạt nếp phồng nổ lép bép đủ lửa được trộn với đường phên làm từ mật mía có thêm nước cốt gừng. Bánh bỏng vàng ruộm, giòn, thơm được sắp vào khuôn gỗ rồi được cắt khéo léo bằng dao sắc thành những chiếc bánh bỏng nhỏ.
Những chiếc bánh bỏng đầu tiên được thành kính dâng cúng tổ tiên. Đám trẻ vui mừng, thích thú đợi bố, mẹ chia phần; người lớn cũng cùng nhau thưởng thức món bánh bỏng thơm ngon bên bếp lửa hồng bập bùng. Phần bánh còn lại sẽ được cất trong túi nilon, buộc kín để giữ độ giòn.
Nếu đã một lần thưởng thức món bánh bỏng của người Giáy, hầu như ai cũng đều yêu thích. Bởi vậy, hiện nay người Giáy không chỉ làm bánh bỏng trong những ngày tết, ngày có việc vui, mà còn làm để bán ở các buổi chợ phiên phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân trong vùng và có thêm thu nhập. Những cô, những chị người Giáy không giữ “bí quyết” làm bánh bỏng, họ sẵn sàng chia sẻ với những ai muốn học, đó là cách để phổ biến, giới thiệu nét đẹp văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Vì thế, không lạ khi du khách lên Lào Cai thấy những hộ người Kinh, người Nùng, người Mông cũng có thể làm thành công những chiếc bánh bỏng ngon.