Nhà văn Đoàn Hữu Nam. |
Phóng viên: “Văn chương nết đất”, nhà văn nghĩ sao khi ứng với Lào Cai?
Nhà văn Đoàn Hữu Nam: Trước Cách mạng Tháng Tám, nhà văn Nguyễn Công Hoan dạy học ở Lào Cai khoảng hơn 2 năm. Những gì ông tiếp nhận ở đây đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác “Ngựa người và người ngựa”, “Bước đường cùng”… Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và những năm sau này, Lào Cai là nguồn cảm hứng, chất liệu để nhà văn Nguyễn Thành Long cho ra đời tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, nhà văn Ma Văn Kháng sáng tác hàng loạt tác phẩm để đời như “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Đám cưới không có giấy giá thú”, “Vùng biên ải”, “Gặp gỡ ở La Pan Tẩn”, “Một mình một ngựa”; rồi những cái tên như Lò Ngân Sủn, Nguyễn Thị Minh Thông, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn cũng sáng tác rất miệt mài những năm này.
Phải khẳng định rằng Lào Cai là miền đất văn vật, có “cái duyên”, “cái tình” với văn chương, nhất là văn xuôi. Theo tôi, Lào Cai có những vốn quý mà nơi khác không có được, đó là “mỏ vàng” văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đời sống của đồng bào vùng cao luôn là “suối nguồn bất tận” cho nghệ thuật, trong đó có văn chương.
Miền đất địa đầu Tổ quốc còn có sự thuận lợi giao thương nên ở mỗi thời kỳ lại sớm có sự cọ sát về văn hóa. Thời kỳ phong kiến, Lào Cai là trung tâm buôn bán sầm uất, giao thương với phía bên kia biên giới; thời kỳ Pháp thuộc, tỉnh Lào Cai được chế độ cai trị đặt hàng quan trọng đặc biệt. Giai đoạn hiện nay, với sự mở cửa nền kinh tế, tỉnh Lào Cai lại có sự giao thoa văn hóa từ nhiều nguồn, nhiều hướng khác nhau. Nhờ có sức hút mà Lào Cai hội tụ nhiều “anh tài”, nhiều nhà văn dù không sinh ra ở Lào Cai nhưng miền đất này đã hun đúc, cho họ vốn sống, khơi nguồn văn chương từ cái tôi bản thể. Tôi cũng là trường hợp như thế, quê ở Hà Nam, giờ tôi là người con của Lào Cai rồi.
Phóng viên: Nghệ thuật đòi hỏi sự kế thừa, nối tiếp, anh thấy điều gì ở thế hệ nhà văn “hậu sinh”?
Nhà văn Đoàn Hữu Nam: Lớp tôi và các anh Nguyễn Văn Cự, Nguyễn Văn Tông, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn, Công Thế… nay đều đã ngoài 60 và 70 tuổi, thậm chí là chạm ngõ 80 rồi. Thế hệ nhà văn, nhà thơ 7X của Lào Cai cũng khá hùng hậu, tiềm năng như Mã A Lâm, Nguyễn Lê Hằng, Hoàng Anh Tuấn, chỉ tiếc vì những lý do công tác, công việc, đời sống mà thiếu đi những cây bút bứt phá trên con đường nghệ thuật. Bởi vậy mà tôi càng tiếc cho Lào Cai khi không “đủ duyên” để giữ chân hai cây bút 7X đang được đánh giá ngày càng cao là Phạm Duy Nghĩa và Tống Ngọc Hân. Tất nhiên cả hai rời xa Lào Cai, người về thủ đô, kẻ hồi hương Phú Thọ hoàn toàn là lý do công tác hoặc vì cuộc sống riêng tư.
Phóng viên: Chúng ta đang thiếu những cây bút trẻ có tiếng vang, cải thiện điều đó thế nào, thưa anh?
Nhà văn Đoàn Hữu Nam: Sự thiếu hụt này không chỉ ở Lào Cai, mà nhiều địa phương của cả nước cũng có tình hình tương tự, có nơi còn tới mức báo động khi gọi đó là cuộc “khủng hoảng thiếu”. Vấn đề không khó hiểu lắm, công nghệ và internet đã khiến văn hóa đọc, văn hóa sách ngày càng mai một; thế hệ trẻ, nhất là lứa tuổi học trò, thay vì đọc sách thì dành quá nhiều thời gian cho máy tính, điện thoại, sách điện tử. Ngày càng hiếm những người ngay từ lứa tuổi học trò có tình yêu, tình cảm văn chương say đắm, mê mẩn. Văn chương đang ngày càng lọt thỏm trong bể rộng mênh mang của không gian ảo, trong vô vàn kênh, luồng thông tin trên mạng internet.
Tác phẩm “Rễ người” đoạt Giải A cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. |
Như tôi nói ở trên, Lào Cai đang ở thời kỳ thiếu những cây bút, nhất là văn xuôi, có tiềm năng, sức bứt phá, mang tính tiêu biểu, hình hài, dáng dấp của dòng văn chương trẻ. Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng, vì theo tôi, văn học khác với nghệ thuật khác ở chỗ cần sự lắng đọng, trầm tích, chiêm nghiệm. Tôi cứ suy từ mình thì ngoài 40 tuổi mới viết tiểu thuyết đầu tay, từ đó cứ liên tục, liên tục, đến nay ngoài 60, công việc sáng tác vẫn bận rộn, tíu tít, lúc nào cũng lo ngày ngắn, đêm “chẳng tày gang”, vốn thời gian mới quý làm sao.
Ở Trung ương đã bắt đầu hình thành những cuộc thi viết, những giải thưởng chỉ dành cho lớp nhà văn trẻ, tỉnh mình tuy chưa có nhưng là rất cần thiết để “đánh thức” những nhân tài tiềm năng. Và hơn thế, rất cần những định hướng, điều chỉnh từ trong chuyên môn của hệ thống giáo dục, trong công tác tuyên truyền, thông tin đại chúng về giá trị thẩm mỹ, nhất là nét đẹp, truyền thống lịch sử văn chương của tỉnh.
Cho dù cuộc sống có biến động thế nào đi nữa thì tôi vẫn tin giá trị của văn chương không mất đi và dù lúc này đang thiếu hụt nhân tố nhưng tôi vẫn tin miền đất văn vật sẽ không có “khoảng trống” nhân tài.
Phóng viên: Cảm ơn nhà văn đã tham gia cuộc trò chuyện!