Tháng 9/2019, người dân các xã Mường Vi, Bản Xèo, Pa Cheo, Mường Hum, Dền Sáng, Y Tý… rất phấn khởi vì tuyến Tỉnh lộ 156 huyết mạch được đầu tư 98 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng lòng đường lên 6,5 m và rải nhựa asphalt. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2021. Điều này không chỉ giúp người dân các địa phương trong huyện đi lại thuận lợi, an toàn mà còn góp phần thu hút du khách đến với các địa danh nổi tiếng của huyện như đỉnh núi Lảo Thẩn, động Mường Vi, đường đá cổ Pa Vi, thác Ong chúa…
Anh Lương Văn Quang, ở phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) cho biết: Tôi cùng vài người bạn thường xuyên tham quan một số địa danh ở huyện Bát Xát. Cảnh quan ở đó rất đẹp nhưng giao thông đến các điểm du lịch còn rất khó khăn, đi lại vất vả. Hy vọng khi Tỉnh lộ 156 hoàn thành nâng cấp, việc đi lại và kết nối du lịch giữa các địa danh của Bát Xát sẽ thuận lợi hơn.
Theo ông Lý Láo San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng, Tỉnh lộ 156 nói riêng và các tuyến đường đến những điểm du lịch nói chung được nâng cấp sẽ giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn, qua đó góp phần phát triển du lịch, đồng nghĩa với việc phát triển kinh tế địa phương. Khi hạ tầng giao thông được đồng bộ, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ quan tâm đầu tư vào phát triển du lịch Bát Xát nói chung và Dền Sáng nói riêng.
Thời gian qua, huyện Bát Xát đã thành lập tổ quản lý và ban hành quy định hoạt động của các điểm du lịch như cột cờ Lũng Pô; các điểm leo núi Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn. Bên cạnh đó, xúc tiến quảng bá nhiều điểm du lịch mới, hấp dẫn như thác Ong chúa (xã Sàng Ma Sáo), thác Rồng (xã Trung Lèng Hồ), thác Ba Tầng (xã Trịnh Tường), động Phìn Ngan (xã Phìn Ngan)…
Du khách khám phá rừng già Dền Sáng. |
Ông Hoàng Công Kiều, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bát Xát cho biết: Trong năm 2019, huyện Bát Xát tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 4 của huyện về “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc các dân tộc giai đoạn 2016 – 2020”. Đây là căn cứ để các ban, ngành của huyện tăng cường công tác quản lý các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn; khảo sát các tiềm năng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực và quảng bá du lịch; thu hút các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ tạo nên thương hiệu, sản phẩm đặc thù cho du lịch của huyện…
Thời gian qua, huyện Bát Xát còn quan tâm tới việc phát triển các sản phẩm du lịch khác như trồng hoa dã quỳ trên các tuyến đường; phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát khảo sát thực địa và khoanh vùng khu vực nhiều hoa đỗ quyên để bảo vệ và chăm sóc; lập hồ sơ công nhận cây di sản hoa đỗ quyên cổ thụ; thành lập 148 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, nhất là ở các địa phương có điểm du lịch; tổ chức quảng bá sản phẩm du lịch mạo hiểm, chinh phục đỉnh cao (leo núi Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn). Huyện cũng chú trọng công tác đào đạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch như tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho 110 người dân thôn Choản Thèn, xã Y Tý; đào tạo kỹ năng nghề du lịch cho 60 học viên; tổ chức cho 55 người dân xã Y Tý tham quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Phong Thổ và huyện Tam Đường của tỉnh Lai Châu; hỗ trợ người dân xây mới 15 homestay tại các xã Sàng Ma Sáo, Y Tý… Trong năm 2019, lượng khách du lịch đến Bát Xát đạt gần 40 nghìn lượt, trong đó có 813 lượt khách nước ngoài, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng.
Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng du lịch Bát Xát vẫn còn những khó khăn cần sớm được khắc phục, như chất lượng hệ thống giao thông tại một số tuyến đã xuống cấp; các cơ sở lưu trú phục vụ chưa chuyên nghiệp; chất lượng các dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; việc đầu tư xây dựng thiết chế cho văn hóa, thể thao tại các nhà văn hóa thôn, bản vùng cao còn hạn chế…
Hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có du lịch của huyện Bát Xát. Tuy nhiên, với những gì đã và đang triển khai, khi dịch Covid-19 chấm dứt, du lịch Bát Xát sẽ có nhiều cơ hội bứt phá, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Lào Cai.