Sự tích “Đản Đăm, Đản Đinh”
“Ở miền đất này có hai ngọn núi được đặt tên. Theo những câu chuyện truyền đời từ xa xưa, một ngọn núi được đồng bào Giáy đặt tên là Đản Đăm (nghĩa là núi Bố), ngọn núi còn lại có tên là Đản Đinh (tức núi Mẹ)”, ông Hoàng Ngọc Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tả Phời, cũng là người cao niên ở địa phương nhớ về sự tích được người Giáy truyền bao đời nay về mảnh đất quê hương.
Thoạt nhìn từ xa, núi Bố sừng sững như bức tường thành che sương, chắn gió cho những bản làng người Giáy từ bao đời nay. Còn núi Mẹ cách xa, nhỏ hơn, độc lập và trống trải. Tên vùng đất xuất phát từ tên núi Mẹ (Đản Đinh), trong tiếng Giáy, Đản còn có nghĩa là đồi đá, Đinh là màu đỏ, ý chỉ ngọn núi Mẹ có một phiến đá màu đỏ tựa hình mặt người.
Người xưa kể rằng, trong một lần núi Bố, núi Mẹ cãi nhau, núi Mẹ giận nên ngoảnh mặt đi, để núi Bố ở phía sau luôn kiên nhẫn đợi chờ. Khác với những ngọn núi luôn có một đỉnh chóp trên cao, hình dáng núi Mẹ lại có một vòm cung ở giữa, nhìn như hình một ngọn đèn. Có lẽ bởi vậy mà người Giáy nơi đây còn ví núi Mẹ như ngọn đèn trời, luôn soi đường, chỉ lối cho cư dân chốn này khai khẩn đất đai, cấy cày, trồng trọt, vượt qua bao vất vả, gian nan.
Sự tích trong những câu chuyện truyền đời đi qua bao thế hệ đồng bào Giáy nơi đây. Sự kỳ bí, linh thiêng đã biến hai ngọn núi trở thành hình tượng quan trọng trong tâm thức và đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Giáy.
Trong những dịp lễ hội hoặc những khi thôn, xã có việc quan trọng, tên núi Bố, núi Mẹ luôn xuất hiện trong những bài cúng, để chứng giám lòng thành của con dân miền đất, phù hộ mùa màng tốt tươi, nhà nhà yên ấm. Niềm tin về hai ngọn núi thiêng, nhất là núi Mẹ (Đản Đinh) được đắp bồi qua bao thế hệ, khiến ngọn núi ấy trở nên bất khả xâm phạm ở chốn này.
Thời điểm vào những năm 2000, một số doanh nghiệp đến xin khai thác đá ở núi Mẹ đã gặp phải sự phản đối của người dân. Bà con kiến nghị lên thôn, xã phải bảo vệ ngọn núi linh thiêng này…
Hướng về ngày mai tươi sáng
Trước đây, Đá Đinh là tên của một thôn, sau này thôn được tách thành thôn Đá Đinh 1 và thôn Đá Đinh 2. Hai ngọn núi cũng chia về hai nửa, núi Bố bao bọc cho những mái nhà ở Đá Đinh 1; núi Mẹ dẫn đường cho thôn Đá Đinh 2.
Hiện hai thôn có 98% hộ đồng bào dân tộc Giáy. Đá Đinh 1 và Đá Đinh 2 được thiên nhiên ưu đãi, nằm trọn trong lòng thung, với núi đồi điệp trùng bao quanh, với suối mát đầu nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho gần 30 ha đất trồng lúa 2 vụ. Nét đặc trưng này vừa là lợi thế để phát triển nông nghiệp tại địa phương, nhưng cũng có những bất lợi mỗi khi thiên nhiên nổi giận.
Do nằm ở vị trí đầu nguồn nước, lại ở vùng lòng chảo nên mỗi khi mùa mưa lũ đến lại trở thành nỗi ám ảnh với đồng bào nơi đây. Dù có địa thế bằng phẳng để cấy lúa, thế nhưng ở nhiều khu vực, đất ruộng lẫn nhiều đá, cát – tồn đọng của những trận mưa lũ hằng năm đi qua và để lại, vậy nên dù có đổi giống lúa mới, năng suất vẫn không cao. Thế rồi, tại những khu vực đất sản xuất kém hiệu quả, người dân bắt đầu chuyển đổi sang đào ao nuôi thủy sản.
Hiện thôn Đá Đinh 1 và thôn Đá Đinh 2 là vùng nuôi thủy sản lớn của xã Tả Phời. Cả 2 thôn hiện có 8 ha mặt nước nuôi thủy sản, chiếm 1/3 diện tích nuôi thủy sản của xã. Phần lớn diện tích này được người dân chuyển đổi từ đất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả. Nhiều năm trở lại đây, thủy sản trở thành hướng đi chính của đồng bào ở Đá Đinh, đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ. Thậm chí từ hướng đi này, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Niềm vui và sự phấn khởi sau một vụ nuôi cá thắng lợi qua chưa lâu, ông Châu Văn Phúc ở thôn Đá Đinh 2 lại tất bật cho một vụ cá mới. Hiện gia đình ông Phúc có 3 ao nuôi các giống cá chép, cá trắm, cá rô… Nhẩm tính vụ cá vừa qua, gia đình xuất bán khoảng chục tấn cá các loại, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình thu về gần 200 triệu đồng. Hộ ông Châu Văn Phúc được biết đến là hộ đi đầu trong chuyển đổi mô hình kinh tế và đang phát huy hiệu quả. Đây cũng là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Đổi thay ở thôn Đá Đinh 1, 2 không chỉ là việc biến nơi đây thành khu vực nuôi thủy sản lớn của xã, mà còn phải kể đến những chuyển biến trong đời sống xã hội. Từng một thời địa phương đau đầu về những hủ tục trong việc cưới, việc tang của cộng đồng người Giáy như diễn ra dài ngày, linh đình, tốn kém. Hôm nay, hủ tục đã lùi xa, nhường chỗ cho nhịp sống mới.
Trưởng thôn Đá Đinh 1 – Ngô Văn Sỳ mừng vui: Nhiều năm trở lại đây, việc cưới, việc tang ở thôn được thực hiện theo quy định, đủ nghi lễ, trang trọng nhưng tiết kiệm. Cả thôn có 102 hộ, hết năm 2022, có 98% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Thôn hiện có 16 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; số hộ nghèo giảm qua từng năm, chỉ còn 2 hộ.
Còn tại thôn Đá Đinh 2, theo Trưởng thôn Hoàng Văn Sủi, sự đoàn kết của bà con đã làm nên sức mạnh, tạo đà cho những đổi thay và phát triển của quê hương. Tiếp đà đi lên, đồng bào nơi đây đang ra sức, quyết tâm xây dựng thành công thôn kiểu mẫu trong năm 2023, viết tiếp nhịp sống ấm no, đủ đầy của một miền quê thanh bình, trù phú dưới chân núi Đá Đinh.